Doanh nghiệp

Tổng Công ty Vicem tăng cường đầu tư công, đề xuất giảm thuế clinker

15/01/2024 - 11:20 SA

Trong năm 2023, ngành Xi măng nói chung và Tổng Công ty Xi măng Việt Nam nói riêng đã gặp phải khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Nhu cầu sử dụng xi măng bị suy giảm, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng lò.
Mặc dù đã được Bộ Xây dựng chia sẻ, giao mục tiêu của năm 2023 thấp hơn so với năm 2022, nhưng trong hoàn cảnh thị trường biến động, dự báo của Vicem vẫn “lạc quan” hơn so với thực tế.

Trong năm qua, sản xuất clinker của Vicem là 16,52 triệu tấn, đạt 90,9% kế hoạch năm 2023 và 80,1% so với cùng kỳ. Khả năng sản xuất của Vicem là 22 triệu tấn, nhưng do biến động của thị trường nên một số dây chuyền phải sản xuất cầm chừng, hoặc dừng lò. Tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker là 22,39 triệu tấn, đạt 89,4% kế hoạch năm 2023 và 81,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xi măng là 20,34 triệu tấn và clinker là 2,05 triệu tấn. Tổng doanh thu 30.352 tỷ đồng, chỉ đạt 86,6% so với kế hoạch năm 2023 và 77,2% so với năm 2022.
 

Ông Nguyễn Quốc Việt, phụ trách Hội đồng thành viên Tổng Công ty Vicem cho biết, mặc dù Tổng Công ty đã tiết giảm triệt để chi phí quản lý, chi phí vận hành, chi phí sửa chữa… sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế cho thạch cao tự nhiên, qua đó giảm hơn 100 tỷ đồng chi phí. Tuy nhiên, các chi phí khác như điện lại tăng. Các đơn vị cũng phải gia tăng cơ chế chính sách để giữ thị phần. Chưa kể ngành Xi măng có đặc thù đầu tư ban đầu rất cao. Khi sản lượng suy giảm thì chi phí cố định tăng lên rất nhiều. Bởi vậy, Vicem đã không hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận đề ra trong năm 2023.

Trong năm 2024, dự báo tình hình vẫn còn khó khăn, nhưng Vicem sẽ quyết tâm tìm kiếm giải pháp khắc phục khó khăn nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7,7%, tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 24,73 triệu tấn.

Ý thức được nhiệm vụ khó khăn trong năm 2024 và hướng đến mục tiêu nâng cao thị phần, sản lượng, đồng thời tiết kiệm chi phí, Vicem đã đề ra một số giải pháp trọng tâm, đồng bộ. Trong đó, Vicem xác định phải tiếp tục đẩy mạnh áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, kinh tế tuần hoàn, nâng cao tỷ lệ sử dụng thạch cao nhân tạo, phế phẩm để vừa giảm chi phí, vừa tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Vicem cũng sẽ đẩy mạnh tiết kiệm chi phí trong tất cả các khâu sản xuất và lưu thông. Đối với công tác đầu tư, Tổng Công ty sẽ tập trung xử lý các vướng mắc trong công tác thẩm định các mỏ nguyên liệu.

Với khó khăn, thách thức của năm 2024, ngoài quyết tâm của Ban lãnh đạo và nỗ lực của tập thể người lao động, Vicem mong muốn nhận được sự giúp đỡ của các Bộ, ngành, trước hết là Bộ Xây dựng. Vicem đề xuất với Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành đẩy mạnh, tăng cường đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng cần nghiên cứu ban hành những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển ngành Xi măng. Trong đó, Vicem đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế clinker; Bộ Xây dựng có ý kiến với các Bộ, ngành và địa phương về cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích tăng cường sử dụng phế phẩm xây dựng trong sản xuất xi măng.
 
VLXD.org (TH/ Xây dựng)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.