Chính phủ đã đề xuất nâng tổng ngân sách đầu tư công lên 874.300 tỉ đồng, tăng 11% so với kế hoạch trước đó. Các dự án như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ bước vào giai đoạn triển khai quan trọng, kéo theo nhu cầu lớn về xi măng và thép xây dựng. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép tiêu thụ trong nước có thể tăng từ 8 - 10% trong năm 2025, trong khi ngành Xi măng cũng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể nhờ vào sự mở rộng của các công trình hạ tầng.
Các doanh nghiệp xi măng như Tổng Công ty VICEM, VICEM Hà Tiên 1, VICEMBỉm Sơn được dự báo sẽ hưởng lợi lớn khi nhu cầu tiêu thụ xi măng tăng cao. Đặc biệt, các dự án cao tốc yêu cầu khối lượng lớn xi măng để phục vụ công tác làm nền móng, đổ bê tông cốt thép. Khi tiến độ thi công đẩy nhanh, các doanh nghiệp có thị phần lớn và công suất sản xuất ổn định sẽ có lợi thế trong việc cung cấp vật liệu và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Việc giá nguyên liệu đầu vào như clinker và than đá tương đối ổn định cũng giúp cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp, đảm bảo khả năng duy trì tăng trưởng trong dài hạn.

Bên cạnh Xi măng, ngành Thép cũng sẽ có nhiều triển vọng tích cực khi các dự án hạ tầng đi vào giai đoạn cao điểm. Những doanh nghiệp có tỷ trọng tiêu thụ thép lớn như Hòa Phát, Việt Đức, Pomina dự kiến sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công. Trong bối cảnh nhu cầu thép xây dựng gia tăng, các doanh nghiệp có lợi thế về sản xuất quy mô lớn và chuỗi cung ứng khép kín sẽ tối ưu được chi phí, qua đó gia tăng lợi nhuận. Một yếu tố quan trọng khác hỗ trợ ngành thép là giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt và than cốc đang có xu hướng giảm mạnh so với năm 2023. Dù giá bán sản phẩm đầu ra cũng điều chỉnh giảm, mức giảm không quá sâu so với nguyên liệu, giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong nước.
Ngoài ra, chính sách bảo hộ thương mại của Việt Nam đối với thép nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc cũng là một điểm sáng cho ngành Thép trong nước. Việc áp dụng các biện pháp thuế quan và hạn chế nhập khẩu sẽ giúp bảo vệ doanh nghiệp trong nước, giảm áp lực cạnh tranh từ nguồn cung nước ngoài và ổn định giá bán. Điều này mang lại lợi thế không nhỏ cho các công ty sản xuất thép lớn, đồng thời giúp ngành Thép duy trì được đà tăng trưởng trong năm 2025.
Dù có nhiều yếu tố hỗ trợ, ngành Xi măng và Thép vẫn đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là tiến độ giải ngân đầu tư công. Việc triển khai các dự án hạ tầng thường có độ trễ do các thủ tục hành chính, công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thực tế của từng gói thầu. Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh đầu tư công và tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn, các chuyên gia nhận định ngành vật liệu xây dựng vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng tích cực trong năm 2025. Đây sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp xi măng và sắt thép gia tăng doanh thu, mở rộng thị phần và nâng cao lợi nhuận trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
VLXD.org (TH/ Lao động)