Doanh nghiệp

Doanh nghiệp xi măng duy trì sản xuất chủ động ứng phó trong giai đoạn dịch bệnh

29/05/2021 - 10:11 SA

Ngành xi măng có đặc thù hoạt động liên tục dài ngày, nếu buộc phải dừng lò, việc khởi động lại sẽ rất tốn kém, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thực tế, nhiều yếu tố có thể khiến dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động, trong đó phần lớn do vấn đề kỹ thuật, thường xảy ra ở các dây chuyền công suất nhỏ, hệ thống thiết bị lạc hậu.

Doanh nghiệp xi măng luôn chủ động mọi tình huống diễn ra trong mùa dịch.
 
Ổn định sản xuất, nhất là chạy lò dài ngày liên tục là một trong những mục tiêu tiên quyết để tối ưu hóa quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng. Còn nhớ vài năm trước, liên tiếp nhiều dây chuyền xi măng trong nước đã phá kỷ lục hoạt động liên tục, lên đến 336 ngày, góp phần giúp các đơn vị chủ động điều tiết kế hoạch sản xuất, tăng năng suất lao động, hiệu suất của thiết bị. 

Tuy nhiên, hiện nay dịch Covid-19 bùng phát, đã tác động đến sự ổn định trong dây chuyền sản xuất xi măng, kể cả những dây chuyền hiện đại.

Ðơn cử hồi đầu năm nay, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch có một công nhân được xác định là F2, không tiếp xúc với ai trong Công ty, nhưng cả nhà máy bị cách ly tạm thời trong một thời gian. Ðây là điều bất khả kháng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vicem Hoàng Thạch khi lượng hàng sản xuất ra gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. 

Trước tình huống này, Công ty đã chủ động có kế hoạch bảo đảm vận hành sản xuất ổn định, khẩn trương khoanh vùng, yêu cầu tất cả cán bộ, công nhân viên (CBCNV) đang làm việc tại Công ty, các CBCNV đủ điều kiện (không phải cách ly tại nhà), phải làm việc ca 2, ca 3. Người lao động của các đối tác đang làm việc tại mặt bằng Công ty cũng được yêu cầu tập trung, ở lại sinh hoạt trong Công ty để cách ly và được kiểm soát nghiêm ngặt. 

Ðồng thời, Công ty thực hiện ngay việc phun khử khuẩn trên toàn bộ phạm vi mặt bằng; tổ chức bố trí chỗ ăn, nghỉ cho 1.430 người lao động; nâng mức hỗ trợ ăn ca lên thêm 5.000 đồng/suất. Quan trọng hơn cả, bộ phận trực điều hành dây chuyền thiết bị được tập trung tại nhà máy nhằm duy trì, điều tiết sản xuất, không để xảy ra tình trạng dừng lò. Ðến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vicem Hoàng Thạch đã trở lại trạng thái bình thường.

Tuy nhiên, ngoài các giải pháp về kỹ thuật, vấn đề phòng, chống dịch bệnh đang đặt ra những thách thức mới, phi truyền thống và cần được quan tâm tốt hơn. Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã chủ động xây dựng kịch bản khi nhà máy bị phong tỏa do dịch bệnh, nhưng cũng rất cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành, địa phương, cùng sự chia sẻ của các đối tác, bạn hàng nhằm cân bằng trong sản xuất và tiêu thụ. Ðồng thời, mỗi nhà máy cần tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người lao động và cho sản xuất.

(Nguồn: https://baomoi.com/san-xuat-xi-mang-trong-dieu-kien-dich-benh/c/38966089.epi)

VLXD.org

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.