Doanh nghiệp

Doanh nghiệp săn tìm lợi ích kép

27/04/2011 - 11:01 SA

Xỉ từ sản xuất thép của các nhà máy thép từ chỗ phải mất tiền chôn lấp thuê bãi đổ đã thành nguyên liệu phụ gia cho ximăng, nhờ công nghệ bảo vệ môi trường.
Những dự án bảo vệ môi trường được tài trợ bởi Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) không chỉ đem lại trong lành cho cuộc sống, mà còn giúp nhiều doanh nghiệp (DN) biến rác thành vàng...

Trạm xử lý nước thải tại nhà máy chế biến thực phẩm do VEPF cho vay đầu tư. Ảnh: BÍCH LIÊN


Biến rác thành vàng

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư bảo vệ môi trường do Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) tổ chức vừa qua tại Hà Nội, nhiều DN mang đến những thông tin gây sự chú ý đặc biệt. Đơn cử Cty CP phát triển vật liệu xây dựng đã vay vốn ưu đãi từ VEPF để triển khai dự án sản xuất gạch bêtông siêu nhẹ tận dụng nguyên liệu là xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện.

Trước đây công ty này sản xuất gạch đất nung, nhưng hiệu quả kinh doanh không cao và gây tác hại nhiều tới môi trường. Sau khi chuyển sang sản xuất gạch bêtông siêu nhẹ AAC với sự hỗ trợ vốn của VEPF, hiệu quả kinh tế đã thay đổi rõ rệt.

Gạch bêtông siêu nhẹ AAC hiện rất được ưa chuộng trong xây dựng bởi những tính năng vượt trội so với gạch nung, đó là nhẹ, bền, cách âm, cách nhiệt tốt, thân thiện với môi trường. Khi triển khai dự án sản xuất loại vật liệu này thì Cty cũng đã góp phần xử lý chất thải rắn cho các nhà máy nhiệt điện.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, khi các dự án thép đã cấp phép đi vào hoạt động với tổng công suất thép luyện là 3,75 triệu tấn/năm, mỗi ngày thải ra khoảng 2.500 tấn rác thải. Lượng xỉ thép được xử lý bằng cách chôn lấp, gây lãng phí và nguy hại cho môi trường sẽ được một doanh nghiệp đang xin vay vốn đầu tư nhà máy tái chế.

Theo đó xỉ thải sẽ thành phụ gia ximăng, bêtông nhẹ chưng áp, sản phẩm thay thế cho hạt nix, hạt xỉ đồng hoặc cát để dùng cho việc làm sạch bề mặt kim loại của ngành công nghiệp đóng, sửa tàu v.v... Đặc biệt theo các nhà nghiên cứu về vật liệu xây dựng, sản xuất ximăng từ xỉ thép còn có thể giảm phát thải 44% CO2 so với cách thông thường.

Năng lượng tái tạo - lợi ích kép

Ông Nguyễn Nam Phương - Giám đốc VEPF cho biết: Tại các dự án do quỹ tài trợ, hai yếu tố “ bảo vệ môi trường” và “lợi nhuận” không hề đối kháng mà thực ra là hỗ trợ nhau. Các doanh nghiệp cũng đang nhận thức rõ ràng rằng: Muốn tồn tại và phát triển bền vững thì không thể không tham gia bảo vệ môi trường.

Với nhiều DN sản xuất công nghiệp đang phải hằng ngày hằng giờ xử lý ô nhiễm không khí thì việc đầu tư áp dụng công nghệ để tạo một “lá phổi công nghiệp hoàn hảo” là hết sức cần thiết. Đổi mới công nghệ xử lý ô nhiễm cũng giúp DN tiết kiệm được nhiều chi phí. Theo đại diện Nhà máy ximăng Lưu Xá (TP.Thái Nguyên), hệ thống lọc bụi khói lò nung clanke do VEPF hỗ trợ vốn không chỉ giúp giảm nồng độ bụi khí thải xuống dưới mức cho phép mà còn giúp tiết kiệm được khoảng 370 triệu đồng/năm từ việc tận dụng lượng bụi bị hóa bùn mà trước kia thường phải bỏ đi và nguồn lợi từ lãi suất cho vay thấp.

Ông Đỗ Vĩnh Thành - Chủ tịch Cty TNHH môi trường công nghiệp Xanh cũng tâm sự: Hoạt động tái chế có nguyên liệu đầu vào khá phong phú như kim loại, đồ nhựa, đồ giấy, dầu nhớt, dung môi... Nếu được đầu tư các dây chuyền công nghệ, thiết bị phù hợp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài việc tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo; còn giảm chi phí quản lý chất thải.

VEPF là đơn vị đỡ đầu về tài chính cho các DN đầu tư bảo vệ môi trường bằng ngân sách nhà nước. Đến nay, quỹ đã cho 113 dự án vay gần 600 tỉ đồng. Trong đó có 17 dự án vay trên 24 tỉ đồng để triển khai công nghệ sạch thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, 4 dự án vay khoảng 57 tỉ đồng sản xuất các sản phẩm bảo vệ môi trường. Các cá nhân, tổ chức có dự án kinh doanh bảo vệ môi trường sẽ được vay từ VEPF tới 70% tổng mức đầu tư với mức lãi suất ưu đãi 5,4%/năm, thời gian vay kéo dài tối đa lên đến 10 năm. Ngoài ra còn có hình thức tài trợ và đồng tài trợ; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư (mức hỗ trợ 2,2%/năm).

NQ_Theo,VnEconomy

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.