Chuyên đề vật liệu xây dựng

3 vấn đề lớn của ngành xi măng Việt Nam

11/07/2018 - 10:02 SA

Trong khi các nước như Thái Lan hay Trung Quốc đóng cửa một số nhà máy xi măng hoặc ngừng thực hiện đầu tư các dự án mới thì hoạt động ngành này tại Việt Nam đang ngược lại. Mặt khác, chủ trương về xuất khẩu xi măng cũng được xem là đi ngược với chính sách đề ra.
Dư thừa vẫn tăng công suất

Theo báo cáo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tiêu thụ xi măng nội địa từ năm 2014 đến hết năm 2017 có xu hướng tăng trưởng chậm dần. Cụ thể, năm 2015, cả nước tiêu thụ 55,3 triệu tấn, tăng 5,5 triệu tấn so với năm 2014, tương đương 11%; năm 2016 tiêu thụ 59,3 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với năm 2015, tương đương 7,2%. Bước sang năm 2017, tiêu thụ nội địa của ngành này chỉ tăng 1% so với năm trước đó, đạt 60,27 triệu tấn.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây tổng sản lượng xi măng luôn vượt tổng nhu cầu nội địa, buộc những doanh nghiệp ngành này phải tìm đường xuất khẩu để không bị tồn kho hay thua lỗ. Thế nhưng, cùng thời gian đó công suất sản xuất của các nhà máy xi măng lại liên tục tăng lên, đồng thời có thêm những dự án đầu tư mới ra đời.
 

Trong những năm gần đây tổng sản lượng xi măng luôn vượt tổng nhu cầu nội địa, buộc những doanh nghiệp ngành này phải tìm đường xuất khẩu để không bị tồn kho hay thua lỗ.

Chỉ tính riêng năm 2017, cả nước đã đưa vào vận hành ba dự án sản xuất lớn, gồm dự án Xi măng Long Sơn 2 (Bỉm Sơn, Thanh Hóa), công suất 2,3 triệu tấn/năm; dây chuyền 2 Xi măng Thành Thắng (Thanh Liêm, Hà Nam), công suất 2,3 triệu tấn/năm; dây chuyền 2 Xi măng Xuân Thành (Thanh Liêm, Hà Nam) công suất 4,5 triệu tấn/năm. Ba dự án này đi vào hoạt động đã nâng số dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, phương pháp khô lên thành 82 dây chuyền, với tổng công suất thiết kế 99 triệu tấn xi măng (theo cách tính 80% clinker + 20% phụ gia). Trên thực tế, theo các chuyên gia trong ngành, năng lực sản xuất của các nhà máy xi măng trong nước hiện có thể đạt đến 113 triệu tấn xi măng với cách tính 70% clinker + 30% phụ gia (tỷ lệ các nhà máy đang thực hiện).

Chưa hết, nếu đúng theo kế hoạch thì trong giai đoạn 2018 - 2020 cả nước còn sẽ đưa vào hoạt động thêm các dự án khác như dự án Xi măng Sông Lam dây chuyền 3, 4 (giai đoạn 2) của tập đoàn The Vissai, công suất 3,8 triệu tấn/năm; xi măng Kaito Hà Tiên tại Bình Phước của ThaiGroup, công suất 4,5 triệu tấn/năm; Xi măng Tân Thắng tại Hoàng Mai, Nghệ An, công suất 1,8 triệu tấn/năm.

VNCA dự báo, tiêu thụ xi măng trong nước năm 2020 vào khoảng 82 triệu tấn, nghĩa là sẽ dư thừa 36 - 47 triệu tấn xi măng. Còn theo dự báo trong quy hoạch, với khả năng tiêu thụ trong nước đến năm 2020 là 93 triệu tấn thì sẽ dư thừa khoảng 25 - 36 triệu tấn xi măng.

Trước thực tế trên, VNCA đã đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng mới từ nay đến năm 2025, đồng thời cho đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng các công nghệ mới nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, sử dụng nhiều phế thải công nghiệp thay thế, năng lượng tái tạo, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Và nghịch lý xuất khẩu

Hướng đi cho sản lượng xi măng dư thừa đối với các nhà sản xuất chính là con đường xuất khẩu. Từ sau năm 2010, do nguồn cầu trong nước giảm, ngành xi măng đã đẩy mạnh xuất khẩu nhằm cứu hàng loạt dự án mới đầu tư và đang ở chu kỳ trả nợ. Theo đó, lượng xi măng xuất khẩu liên tục tăng.

Cao điểm, vào năm 2014, Việt Nam đã lọt vào các nước xuất khẩu xi măng và clinker cao của thế giới khi xuất khẩu được 20 triệu tấn, đạt gần 1 tỉ USD. Hai năm sau đó có giảm chút ít nhưng vẫn đạt 15,8 triệu tấn (2015) và 15,5 triệu tấn (2016). Bước sang năm 2017, xuất khẩu xi măng lấy lại đà tăng trưởng, đạt hơn 21 triệu tấn, tăng 36% so với năm trước đó. Đáng chú ý, trong năm tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu clinker - xi măng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan là tăng đến 69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giới quan sát, xuất khẩu xi măng tăng đột biến trong gần nửa đầu năm nay một phần lớn đến từ chính sách hỗ trợ cho việc xuất khẩu mặt hàng này khi Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 100/2016/NĐ-CP, trong đó đưa thuế suất xi măng về 0% và hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp xuất khẩu xi măng có hiệu lực kể từ đầu tháng 2/2018. Nghị định số 146 ra đời đã đáp ứng đúng nguyện vọng của các doanh nghiệp xi măng trước đó kêu nhiều về câu chuyện tăng thuế gây khó cho họ xuất khẩu mặt hàng này. Việc thuế xuất khẩu sản phẩm xi măng về 0% (trước đó là 5%) và được hoàn thuế VAT, giúp sản phẩm xi măng trong nước cạnh tranh hơn so với các nước, thúc đẩy tăng đầu ra sản phẩm ở thị trường thế giới.

Tuy nhiên, điều này lại đang đi ngược với chủ trương của Chính phủ khi tại Văn bản số 4721 ngày 21/5/2018, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính xem xét, đề xuất giải pháp, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản, các nguồn năng lượng phục vụ sản xuất xi măng; đồng thời hạn chế xuất khẩu. Như vậy, có thể hiểu chỉ trong một thời gian ngắn chủ trương của Chính phủ một mặt là hạn chế xuất khẩu xi măng, nhưng một mặt chính sách lại khuyến khích xuất khẩu mặt hàng này.

Trên thực tế, vấn đề hạn chế xuất khẩu tài nguyên không tái tạo đã được các nước trên thế giới triệt để áp dụng nhiều năm nay. Xi măng là một ngành sản xuất cần khai thác một lượng lớn tài nguyên khoáng sản (đá vôi, đất sét, phụ gia...), đồng thời hoạt động sản xuất ngành này còn tiêu thụ điện năng rất lớn cũng như là tác nhân không nhỏ gây ô nhiễm môi trường sống và tổn hại cảnh quang do khai thác đá vôi. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc ngưng hoặc hạn chế xuất khẩu là điều nên sớm thực hiện.

Theo các chuyên gia, dù nguyên liệu cho sản xuất xi măng ở trong nước dồi dào, nhưng tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn nên tư duy phát triển kinh tế dựa dẫm vào khai thác tài nguyên cần được xem xét kỹ hơn. Bài học về nghịch lý của ngành than còn nguyên tính thời sự bởi cách đây mấy chục năm, Việt Nam cũng từng tự hào về nguồn tài nguyên than đá rất dồi dào và đã tận sức khai thác vừa để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước vừa dư ra để xuất khẩu. Thế rồi giờ đây Việt Nam phải chi hơn tỉ USD nhập khẩu than.

Các nước dừng sản suất chuyển nhà máy sang Việt Nam

Một số nước đã chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu xi măng; nhiều nước trong khu vực cũng giảm công suất hoặc cho đóng cửa nhà máy. Chẳng hạn, Thái Lan đã dừng đầu tư dự án mới ở trong nước từ hàng chục năm về trước. Do đó, một số nhà sản xuất ngành này của Thái Lan đã từng bước mở rộng đầu tư ra nước ngoài hoặc đầu tư thông qua thâu tóm các nhà máy ở các nước. Tập đoàn Thái Lan SCG đã chi 156 triệu USD mua 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) tại miền Trung có công suất 3,1 triệu tấn/năm. Nếu tính cả phần phải trả nợ ròng cho VCM cũng như các chi phí đầu tư cải tiến hiệu quả đối với tài sản mua lại này thì tổng số vốn mà SCG đầu tư cho doanh nghiệp này lên đến 440 triệu đô la. Trước đó, SCG cũng đã mua lại Công ty Xi măng Bửu Long tại Đồng Nai.

Hay tập đoàn khác của Thái Lan là Siam City Cement (SCCC) đã bỏ ra hàng trăm triệu USD mua lại 65% cổ phần của Holcim Việt Nam trong liên doanh giữa Holcim với Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam. Qua thương vụ này, Holcim Việt Nam đã chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam, kèm theo đó là chuyển đổi từ thương hiệu Holcim sang thương hiệu INSEE.

Điểm đáng chú ý nữa có lẽ là Trung Quốc. Đây là nước có tổng công suất thiết kế, khối lượng sản xuất, tiêu thụ xi măng hàng năm rất lớn trên thế giới. Những năm gần đây, Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu clinker đứng hàng đầu thế giới. Nhưng, theo các doanh nghiệp, cuối năm 2017, Chính phủ nước này có một số chính sách thay đổi vừa để tăng cường bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện, chuyển đổi mục đích ưu tiên trong phát triển kinh tế, do vậy, nhiều nhà máy xi măng đã buộc phải tạm thời đóng cửa, làm cho Trung Quốc từ một nước xuất khẩu clinker hàng đầu thế giới chuyển thành nước nhập khẩu, trong đó nguồn cung từ Việt Nam theo VNCA có lẽ là lớn nhất.

Ngoài khai thác tài nguyên đá vôi, một vấn đề đáng lưu tâm khác là việc các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành này còn được cho là tận dụng nguồn năng lượng giá rẻ hoặc thậm chí “xuất khẩu ô nhiễm” sang Việt Nam. Trên thực tế, đi kèm với “thành tích” về công suất tăng vọt của ngành xi măng những năm gần đây là không ít hệ lụy về ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn, tổn hại cảnh quan cho đến tiêu tốn năng lượng. Theo các chuyên gia, cần phải nhìn lại ngành vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng, cần những giải pháp đồng bộ để vẫn phát triển sản xuất nhưng gắn với bảo vệ môi trường. 
 
Theo quy định tại Nghị định 100/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thì không được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu. Quy định này thể hiện quan điểm không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên chưa chế biến sâu.
 
VLXD.org (TH/ KTSG)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.