Bảo vệ người tiêu dùng

Khử mùi sơn như thế nào để tốt cho sức khỏe khi về nhà mới?

02/11/2017 - 04:30 CH

Nếu không biết cách xử lý, sơn tường sẽ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ em mức độ độc hại gấp 10 lần so với người bình thường. Dưới đây, chuyên gia hướng dẫn bạn cách để hạn chế độc hại của sơn khi về nhà mới.
Lo lắng về sơn tường

Chị Nguyễn Thị Thu (ở Hải Phòng) chia sẻ, nhà mới xây xong thì cũng là lúc hết hợp đồng thuê nhà, nên sơn nhà xong chị dọn về ở luôn. Nhà thoáng, sạch đẹp, nhưng cậu con trai 1 tuổi liên tục bị bệnh đường hô hấp. Chị thì luôn chóng mặt, buồn nôn. Vừa qua bác sĩ cho làm hàng loạt xét nghiệm, hỏi chị về môi trường xung quanh, nhà ở… mới chẩn đoán là mẹ con chị - nhất là cậu con trai bị nhiễm chì nhẹ. Nguyên do là chị “tiết kiệm” mua sơn rẻ, không nhãn mác mà không biết nó có chì, thủy ngân rất hại cho sức khỏe.

Thông tin trên Báo Khoa học và đời sống, PGS.TS Ngô Quốc Quyền, Viện Hóa học, Viện KH&CN Việt Nam cho biết, các loại polyme không gây độc, nhưng các loại dung môi dạng lỏng dùng hòa tan polyme – là tác nhân gây ra mùi hắc nồng khó chịu, gây dị ứng, bệnh về đường hô hấp… Các hợp chất hữu cơ như formaldehyde, benzene, xylene dễ bốc hơi trong không khí, gây độc khi hít vào cơ thể. Formaldehyde từ 0,3 ppm trở lên có thể gây ho, dị ứng da. Ở nồng độ cao hơn có thể gây đau rát mắt, mũi và họng - được xếp vào nhóm các chất gây ung thư vòm họng, thanh quản và các bộ phận của hệ hô hấp.

Theo các chuyên gia hóa học, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) hít phải sẽ gây kích ứng đường hô hấp. Đặc biệt đe dọa sức khỏe của phụ nữ có thai, gây ảnh hưởng tới não bộ, hệ thần kinh, gây dị tật bẩm sinh… cho thai nhi.

Các hạt sơn khi phun bay trong không khí, trẻ em hít phải sẽ bị cuốn sâu vào trong gây phản ứng viêm, kích thích gây co thắt, tăng tiết đàm nhớt… tổn thương phế nang, gây ho, khó thở, dẫn tới viêm phổi…

Thành phần APEO là chất phụ gia duy trì chất lượng sơn, tuy có ít trong sơn, nhưng nguy hiểm nhất vì là chất gây ung thư không thể phân loại, có thể gây rối loạn sản xuất hormone, ảnh hưởng đến nội tiết tố, khả năng sinh sản, làm gia tăng tế bào ung thư…

Các loại sơn dành cho gỗ, bê tông, kim loại, khung cửa… khi pha chế màu cũng có chất độc khiến con người bị nhiễm độc, gây dị ứng, nổi mẩn, phù nề, ói mửa… Bả, sơn tường cũng góp phần dẫn tới ung thư, nhất là ung thư máu ở trẻ em. Mức độ nguy hiểm của sơn tường với trẻ em cao gấp 10 lần người lớn, do trẻ hay bám tay vào tường rồi cho vào miệng ngậm, hoặc hít phải bụi sơn… ảnh hưởng nặng tới hệ thần kinh, làm giảm trí thông minh, phát triển chậm về thể chất, có bất thường về hành vi và tổn thương thính lực của trẻ. Ở nồng độ cao trẻ có thể hôn mê, co giật và tử vong.
 

Với nhà mới sơn cần lưu ý giữ thực phẩm và nước uống, vật dụng cần dùng… tránh xa sơn để hạn chế chất độc hại dính vào. Ảnh minh họa

Cách hạn chế độc hại từ sơn tường với trẻ nhỏ

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Nghiên cứu Sinh học – Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa, Hà Nội), sau khi sơn nhà xong tốt nhất sau 1 tuần hãy về ở. Khoảng thời gian này cần khử mùi hắc nồng của sơn để hạn chế nguy cơ nhiễm độc, dị ứng, bệnh về hô hấp, đau đầu, khó chịu, buồn nôn… Trong dân gian có nhiều cách khử mùi sơn như sau:

   • Đặt nhiều quả dứa ở các góc phòng để hút mùi sơn, thay vào mùi dứa.

   • Bọc các cục than củi, than sinh học, than hoạt tính vào giấy báo rồi để nhiều nơi trong nhà để hút mùi sơn. Lưu ý đóng kín các cửa ra vào, cửa sổ… để hiệu quả khử mùi cao hơn và không được ở trong nhà suốt quá trình khử mùi.

   • Đun sôi một nồi dấm ăn ở giữa phòng (dấm hoa quả đầu tiên mùi khó chịu, nhưng sau 2 ngày bám vào tường sẽ tỏa mùi dễ chịu).

   • Cắt hành tây ra nhiều lát mỏng và trải khắp nhà giúp khử mùi sơn.

   • Dung dịch muối ăn pha loãng khử mùi sơn khá tốt. Cứ 10m2 nền nhà đặt 1 bát nước muối pha loãng, mùi sơn giảm mạnh trong vài ngày.

   • Đặt vài ly sữa tươi trong phòng. Sữa tươi có thể hấp thụ làm giảm mùi sơn.

   • Hòa bột mì vào nước và trộn với tỏi giã nhỏ. Cách này có tác dụng nhanh chóng và rõ rệt nhưng với những khách hàng dị ứng với tỏi thì không nên sử dụng.

Ngoài ra, để nhanh chóng đẩy mùi sơn nhà mới bạn có thể mở các cửa, bật quạt liên tục; Hoặc mở cửa chính, cửa phụ, rồi đặt 2 cây quạt hút đối lưu trong nhà ra ngoài (không nên mở các cánh cửa thổi không khí ra khi hút).

Với nhà sơn, bả lại, cần lưu ý giữ thực phẩm và nước uống, vật dụng cần dùng… tránh xa sơn, bả để hạn chế chất độc hại dính vào. Nếu bị dính sơn vào da, chân tay thì dùng rượu trắng rửa sạch.

Nhà có trẻ em, tuyệt đối không để trẻ chạm vào các vật dụng có sơn, hạn chế cho trẻ bám tường, hay gặm, ngậm song sắt cửa và các vật dụng có sơn. Cần rửa tay cho trẻ sạch trước khi ăn và đi ngủ, đặc biệt là với những nhà hay cho trẻ em nằm, bò, chơi dưới đất. Các bà nội trợ cần bổ sung dinh dưỡng, ăn nhiều chất sắt và canxi để giảm thiểu hấp thụ chì vào cơ thể.

Tốt nhất nhà có phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh không nên sơn lại nhà. Nếu cần thiết đưa cả mẹ và bé đến nơi khác, tránh nguy cơ nhiễm độc.

Nếu có nhu cầu sơn tường nhà mới, nên chọn sơn chất lượng cao, sơn nước, sơn sinh thái, sơn bột gốc xi măng… hàng chính hãng vì ít nguy cơ phát tán mùi nhờ có công nghệ xử lý cao, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Không nên dùng sơn kém chất lượng, sơn trôi nổi rẻ tiền, nhưng không rõ nguồn gốc và mức độ chì, thủy ngân sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cho của mọi người trong nhà.
 
Theo các nhà khoa học, khi bị nhiễm độc chì, thủy ngân có các dấu hiệu sau:

- Nhiễm độc thủy ngân gây rát cho da và mắt. Hít phải thủy ngân gây ho, đau tức ngực, khó thở và đau rát ở phổi. Ở lâu nơi có thủy ngân sẽ bị run chân tay, giảm trí nhớ, mờ mắt, suy giảm chức năng thận và khả năng tập trung.

- Dấu hiệu ngộ độc chì cấp tính sẽ làm cho trẻ cáu kỉnh, kém tập trung, ói mửa, đi không vững, sức khỏe kém, hệ thần kinh bị ảnh hưởng, suy thận… Trường hợp mạn tính sẽ chậm phát triển trí tuệ, hay gây gổ, đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận… có thể tử vong.

- Người lớn nhiễm độc chì sẽ bị dị ứng, phát ban, đau nhức, trí nhớ giảm sút, suy nhược thần kinh, đau tê ở đầu ngón chân, tay, bắp thịt mỏi yếu, nhức đầu, đau bụng, tăng huyết áp, thiếu máu, giảm trí nhớ, thay đổi tâm trạng, tinh trùng kém... để lâu khó chữa khỏi. Nếu hít phải mùi sơn sẽ có thể làm bệnh hen suyễn, viêm xoang thêm trầm trọng.

Các bà bầu bị nhiễm chì dễ bị sảy thai, sinh non. Thai nhi có thể bị nhiễm chì ngay khi ở trong bụng mẹ. Trẻ bú sữa mẹ có hàm lượng chì cao cũng có thể bị nhiễm chì.
 
Theo Xây dựng - Gia đình

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.