Vật liệu và Không gian sống

Độ bền của 20 vật liệu xây nhà phổ biến Việt Nam

27/11/2017 - 04:25 CH

Vật liệu xây dựng và hoàn thiện là ngôn ngữ chính để tạo nên kiến trúc và không gian. Với mỗi môi trường xây dựng khác nhau, vật liệu cũng được lựa chọn khác nhau do yếu tố thời tiết, khí hậu và con người. Ở môi trường nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, thời tiết tương đối khắc nghiệt nên ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn vật liệu đó chính là độ bền và khả năng chống chịu với thời tiết. Bài viết này sẽ giới thiệu với bạn 20 loại vật liệu phổ biến sử dụng ở Việt Nam và những thông tin về độ bền của từng loại để bạn có thể tham khảo ngay.
1. Gạch đất nung
 

Gạch đất nung được sản xuất từ đất sét nung ở nhiệt độ cao, phơi khô thành viên gạch màu đỏ cứng và chắc. Đây là loại vật liệu xây dựng có độ bền cao, tuy nhiên lại dễ hư hỏng trong quá trình vận chuyển do chịu lực kém.

2. Đá granite và đá nhân tạo
 

Đá granite ở Việt Nam có xuất xứ từ những mỏ đá ở miền Trung, nơi có khí hậu nóng bức, nên đá granite từ đây cực kì cứng cáp và có độ bền rất tốt. Cùng với những ưu điểm về khả năng chống thấm và giá thành mà đá granite được sử dụng rộng rãi trong xây dựng ở nước ta.

3. Đá cẩm thạch
 

Đá cẩm thạch tạo cảm giác sang trọng cho không gian nhà ở, đây là loại đá xuất xứ từ tự nhiên, có độ bền cực kì tốt, có thể kéo dài tuổi thọ đến 100 năm, gấp đôi so với vật liệu gỗ. Tuy nhiên, giá thành cho loại đá này không hề rẻ, cùng với một số hạn chế về khả năng chống thấm, đá cẩm thạch thường dùng để trang trí cho những không gian quan trọng.

4. Gỗ tự nhiên
 

Sàn gỗ tự nhiên với đặc tính mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, hoa văn gỗ trang nhã. Độ bền của gỗ tự nhiên có thể lên đến 50 năm tuổi. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng nên chú ý đến các vấn đề bảo trì và lau chùi thường xuyên để gỗ được bền đẹp.

5. Gỗ nhân tạo
 

Loại vật liệu này được đánh giá theo chỉ số AC từ 1 đến 5, không bền bằng nhựa tổng hợp hay vinyl. Xuất xứ từ gỗ tự nhiên được nghiền vụn ép chặt với nhau theo tỉ lệ nhất định, cho cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên cần chú ý độ chống nước của vật liệu phải đảm bảo ở những không gian thường xuyên sử dụng nước.

6. Nhựa tổng hợp
 

Vật liệu nhựa tổng hợp có độ bền rất cao hàng chục năm và lớn hơn độ bền sàn gỗ. Màu sắc cũng đa dạng và nhiều mẫu mã để lựa chọn, có thể sử dụng cho nhiều loại không gian trong nhà ở, thẩm nước tốt.

7. Gạch ceramic
 

Gạch Ceramic đang được sử dụng khá phổ biến trên thế giới với sự đa dạng về kích thước, hoa văn, màu sắc và các đặc tính sử dụng khác mà viên gạch có tuổi thọ lâu bền mà giá cả phù hợp.

8. Đá tự nhiên
 

Đá tự nhiên được sử dụng phổ biến trong nhà ở như trang trí tường, vách ngăn… Loại vật liệu này cho cảm giác thô mộc và rất bền. Giá thành cho đá tự nhiên không cao, tuy nhiên bạn nên chú ý đến bước xử lí chống thấm cho vật liệu này nếu sử dụng bên trong nhà ở. 

9. Gạch không nung
 

Từ nhiều năm nay, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chủ trương chính sách để thúc đẩy phát triển vật liệu xây không nung. Đây là loại vật liệu có nhiều ưu điểm về độ bền so với loại gạch nung truyền thống.

10. Gạch gốm trang trí
 

Gạch gốm thường dùng ở những vị trí tường trang trí hoặc để thông gió, có các đặc điểm giống gạch đất nung thông thường, độ chịu ẩm thấp, dễ bị rêu mốc, bạc màu theo thời gian.

11. Tre
 

Tuổi thọ cao từ 20 năm trở lên. Tre có độ cứng cao hơn 1,5 lần gỗ và khả năng chịu mài mòn tốt. Ngoài ra, khả năng đàn hồi tốt tạo cảm giác thoải mái cho bàn chân, chống mệt mỏi và các bệnh viêm khớp. 

12. Kính cường lực
 

Kính cường lực được ứng dụng rộng rãi trong nhà ở như: cầu thang, mặt đứng…  Với độ bền cao cùng nhiều ưu điểm nổi bật, kính cường lực còn được sử dụng làm cửa kính hay vách kính dùng để phân chia không gian trong căn nhà tạo nét hiện đại, sang trọng.

13. Kính thường
 

Kính bình thường một lớp thường được ứng dụng trong nhà ở như các ô cửa kính. Tuy độ bền không tốt như kính cường lực, vật liệu này vẫn được ưa chuộng bởi giá thành phải chăng.

14. Nhôm
 

Do đặc điểm nhôm là vật liệu nhẹ, có độ bền cao, được thiết kế các khoang rỗng cùng với các sống gia cường hợp lý nên việc sử dụng vật liệu này sẽ giảm tải trọng của toàn bộ công trình hơn hẳn so với vách tường sử dụng các loại vật liệu khác.

15. Inox
 

Inox được biết đến như loại vật liệu chủ đạo dùng trong đồ dùng nội thất nhà ở. Tuy nhiên, inox vẫn có thể dùng để làm cửa hoặc cổng chính, với đặc tính chống bụi bẩn và độ bền cao, cửa inox có tuổi thọ có thể lên đến 30 năm.

16. Thép
 

Thép có những ưu điểm điển hình như độ bền cao, chịu lực tốt, không bị cháy hay mối mọt như gỗ. Tuy nhiên, tại những khu vực ẩm thấp, vùng ven biển, thậm chí ngay cả trong phòng tắm quá ẩm ướt, thép sẽ bị ăn mòn nếu như không được phủ thêm lớp chống ăn mòn lên bề mặt. Ngoài ra thép dẫn nhiệt, do đó thép không phải là vật liệu lý tưởng để cách nhiệt.

17. Thạch cao
 

Trần thạch cao thường được sử dụng trong nhà ở với đặc tính có thể tạo hình và trang trí, giúp trần nhà trở nên đẹp hơn. Với giá cả phải chăng, dễ thi công mà tính thẩm mỹ cao, độ bền từ 10 đến 20 năm.

18. Bê tông thô
 

Bê tông thô được sử dụng ở những không gian cần sự thô mộc. Tuy nhiên, bê tông thô dễ bị thấm nước, độ bền kém nếu không sử dụng cẩn thận.

19. Bê tông hoàn thiện
 

Bê tông hoàn thiện là loại bê tông được xử lí hoàn thiện để có bề mặt bóng, sáng, giúp tăng khả năng chống thấm và chịu mài mòn. Vì những lí do đó mà so với bê tông thô, độ bền của bê tông hoàn thiện vượt trội hơn đáng kể.

20. Sơn nước
 

Sơn nước tùy theo loại sử dụng cho không gian nội thất và ngoại thất mà độ bền sẽ khác nhau. Bạn lưu ý nên chọn loại sơn có độ bền tốt để trang trí tường ngoại thất để tăng khả năng chống thấm cho ngôi nhà và tăng tuổi thọ bề mặt công trình.
 
VLXD.org (TH)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.