Sự kiện

Cần sớm chấm dứt việc sản xuất, sử dụng Amiang trắng ở Việt Nam

07/10/2017 - 03:43 CH

Đó là kiến nghị được các nhà khoa học đưa ra tại buổi Tọa đàm trao đổi thông tin về sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam do các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 6/10, tại Hà Nội.
>> Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo việc sử dụng amiăng trắng

TS Nguyễn Văn Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường cho biết, bằng những chứng cứ khoa học, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định, tất cả các loại amiăng, trong đó có amiăng trắng đều là chất gây ung thư cho con người. Các loại ung thư phổ biến do amiăng gây ra là ung thư trung biểu mô, ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng...

Amiăng cũng là nguyên nhân gây ung thư nghề nghiệp lớn nhất, ước tính tạo ra một nửa số ca tử vong. Việc xử lí chất thải amiăng rất tốn kém và khó thực hiện một cách an toàn.

"Việt Nam tiêu thụ trung bình 70 ngàn tấn amiăng mỗi năm. Như vậy, trong gần 30 năm qua, nước ta đã tiêu thụ tổng cộng khoảng 2 triệu tấn. Với khối lượng chất độc hại lớn như vậy, ước tính số người mắc ung thư trung biểu mô khoảng 11.764 người, chưa tính số người mắc ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng... amiăng là chất có thời gian bán huỷ kéo dài hàng chục năm. Với hàng triệu ngôi nhà đang sử dụng tấm lợp, sẽ có hàng triệu người dân phải sống chung với amiăng, phần lớn họ đều là người nghèo, sống ở vùng núi, nông thôn. Nhiều gia đình còn đập vỡ tấm lợp để rải ra sân hoặc đường làng khiến amiăng càng phát tán rộng hơn. Kích thước các sợi amiăng vô cùng nhỏ bé, chỉ vài micron, nếu không được bảo quản, đóng gói chặt sẽ rất dễ phát tán trong không khí" – TS Sơn nói.



Quang cảnh buổi tọa đàm

Là chuyên gia về dịch tễ học, BS.TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng khẳng định, WHO xếp amiăng vào nhóm 1 các chất gây ung thư trên người. Bởi vậy, ngay cả các nước trước đây đi tiên phong trong việc sử dụng amiăng (Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Úc...) nay cũng đã cấm hoàn toàn.

Thống kê của WHO cho thấy, số nước công bố cấm hoàn toàn buôn bán và sử dụng amiăng đã tăng 2,56 lần so với trước năm 2000, từ 25 nước lên 64 nước (tính đến tháng 7-2017). Hiện cũng có 147/153 nước tham gia Công ước Rotterdam đồng thuận đưa amiăng vào phụ lục 3 (chất độc hại với môi trường và sức khoẻ con người cần kiểm soát nghiêm ngặt).

Ngay từ thập niên 70, Việt Nam đã từng là nước đi tiên phong trong việc nhận biết tác hại của amiăng khi đưa bệnh bụi phổi do amiăng vào danh sách bệnh nghề nghiệp và thực hiện chế độ đền bù an sinh xã hội cho người mắc bệnh. Năm 1998, Việt Nam chính thức cấm amiăng màu (nâu, xanh) và đặt amiăng trắng vào tình trạng kiểm soát nghiêm ngặt. Đến 2001, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định 115, nêu rõ việc cấm sử dụng amiăng nâu, xanh và đưa ra lộ trình chấm dứt sử dụng amiăng trắng vào sản xuất tấm lợp đến năm 2004. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam đã liên tục trì hoãn việc cấm sử dụng amiăng trắng.

Hiện, Việt Nam có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có sử dụng amiăng trắng với công suất thiết kế hơn 100 triệu m2/năm.

Ngoài ra, Việt Nam còn nhập rất nhiều sản phẩm chứa amiăng như vải, má phanh, vật liệu cách nhiệt, thảm. Các sản phẩm này được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ và thậm chí từ nước đã cấm sử dụng amiăng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...

PGS.TS Bùi Thị An – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Hà Nội nhấn mạnh, đã đến lúc Việt Nam cần chấm dứt việc mua bán, sản xuất vật liệu amiăng, chuyển sang sử dụng vật liệu PVA an toàn hơn. "Sức khoẻ của hàng triệu người dân quan trọng hơn lợi ích của một vài doanh nghiệp" – bà An nói.

Theo BXD
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.