Kinh doanh - Đầu tư

Ngành Xi măng, Thép kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản

29/01/2023 - 02:32 CH

Chính phủ đã thành lập tổ công tác để gỡ khó cho bất động sản, một số chính sách cũng được nới lỏng hơn. Đây là những thuận lợi đầu tiên để thị trường này kỳ vọng vào sự phục hồi trong năm 2023. Nhiều ngành khác như thép, xi măng, xây dựng… cũng đang thấp thỏm chờ bất động sản hồi phục thì nhiều ngành phụ trợ mới có thể dễ thở hơn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch VNREA, 10 năm qua, bình quân mỗi năm Việt Nam xây mới 60 triệu m2 nhà ở, cung cấp chỗ ở, đặc biệt cho khu vực đô thị. Theo tính toán, mỗi năm thị trường bất động sản góp 0,4 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế, tương đương 10% thu nhập quốc dân và 3% tăng trưởng GDP.

Mảng bất động sản đóng góp rất lớn vào ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người dân.

Trước những diễn biến xấu của thị trường bất động sản trong năm qua, Chính phủ và các bộ ngành, doanh nghiệp, ngân hàng đang chung tay vực dậy thị trường. Trong đó, ngày 14/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp và đẩy nhanh xử lý vướng mắc; doanh nghiệp phải cơ cấu lại dòng tiền, sản phẩm… Tổ công tác của Thủ tướng thành lập hồi giữa tháng 11 đã làm việc, trao đổi trực tiếp với các địa phương và doanh nghiệp, tìm cách hướng dẫn về thực thi, thể chế, phân loại khó khăn vướng mắc của bất động sản.

Cùng với đó, hàng loạt giải pháp khác như nới room tín dụng từ 1,5 - 2%, thúc đẩy tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý dự án, đẩy mạnh sửa đổi Nghị định 65 để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp… cũng nhanh chóng được triển khai. Những giải pháp này không đơn giản là để giải cứu bất động sản mà còn là khơi thông thanh khoản cho một ngành có ảnh hưởng quan trọng đến sự tăng trưởng của cả nền kinh tế trong giai đoạn này.


Nhiều chuyên gia đã nhận định, từ quí II/2023, thị trường bất động sản sẽ dần hồi phục và phát triển lành mạnh, minh bạch hơn khi những vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ, tăng trưởng kinh tế khả quan, tín dụng được khơi thông.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, một trong những tín hiệu tích cực nhất hiện nay là sự vào cuộc quyết liệt của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để gỡ khó cho bất động sản, tạo nên tâm lý yên tâm cho giới kinh doanh.

Trong giai đoạn bất động sản phục hồi vào năm 2016, Bộ Tài chính đã thu 171.000 tỉ đồng thuế, phí liên quan đến tài sản. Trong đó, có khoảng 148.000 tỉ đồng liên quan đến nhà, đất, cao nhất trong vòng 5 năm tính về trước. Doanh số khả quan trên thị trường bất động sản thời điểm ấy đã giúp ngành thép, xi măng, gạch xây dựng, nội thất, xây dựng… được hưởng lợi.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, hoạt động sản xuất các loại thép xây dựng, ống thép, tôn mạ, thép cán nguội… tăng trưởng mạnh nhờ bất động sản. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, tiêu thụ thép đạt 8,4 triệu tấn, tăng 27,8% so với cùng kỳ, giúp nhiều doanh nghiệp ngành thép có lãi lớn. Ngành xi măng cũng đạt mức tăng trưởng hai con số, theo sau sự sôi động của địa ốc.

Với thị trường địa ốc trầm lắng như hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước và tác động lan tỏa đến nhiều ngành nghề. Trong đó, với ngành Thép, các doanh nghiệp lớn trong ngành đã trải qua một năm kinh doanh ảm đạm bởi hoạt động xây dựng ngưng trệ, làm cho hàng tồn kho nhiều, giá giảm. Ngành Xi măng cũng tương tự, như với Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), doanh nghiệp có chiếm 33% thị phần của ngành Xi măng cũng phải chật vật thúc đẩy bán hàng. Tổng Giám đốc Vicem cho biết, cung - cầu mất cân đối do tình trạng dư cung lớn nên việc kinh doanh rất khó khăn.

Trong lĩnh vực xây dựng, các công trình ngưng trệ không chỉ gây khó khăn cho việc duy trì nhân sự để hoạt động liên tục mà còn khiến doanh nghiệp đối diện với tình trạng nợ đọng lớn. Theo khảo sát của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), phần lớn doanh nghiệp xây dựng có khoản phải thu từ khách hàng tăng kể từ đầu năm. Tình trạng này dẫn đến dòng tiền kinh doanh bị thâm hụt, một số đơn vị buộc phải tăng cường vay nợ để có tiền duy trì hoạt động.

Vì vậy, cũng như các lĩnh vực khác, mảng xây dựng đang trông chờ vào sự hồi phục của ngành bất động sản. Chỉ khi ngành này phát triển thì mới thúc đẩy sự tăng trưởng của nhiều ngành nghề phụ trợ, tạo nên động lực phát triển chung cho nền kinh tế.
 
VLXD.org (TH/ KTSG)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.