Kinh doanh - Đầu tư

Đồng Nai: Ngành xây dựng điêu đứng vì vật liệu xây dựng tăng giá

28/04/2021 - 10:55 SA

Suốt thời gian qua, giá các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, cát đá…đã tăng đến mức chóng mặt. Điều này không chỉ khiến các cửa hàng bán vật liệu xây dựng thô giảm doanh thu mà còn khiến cho các công trình xây dựng, nhất là các công trình nhà ở của người dân cũng bị ảnh hưởng.

Đối với các đơn vị kinh doanh, từ đầu năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng do các nhà sản xuất đưa ra đã nhiều lần thay đổi, tăng giá khiến cho lượng bán ra của các cửa hàng vật liệu xây dựng thô bị giảm mạnh. Giá vật liệu tăng, nhiều chủ thầu và chủ đầu tư đã quyết định giãn, thậm chí tạm ngưng thi công để chờ giảm giá. Điều này khiến các cửa hàng bán đồ trang trí nội thất, cửa kính, ván ốp tường, trần thạch cao…  cũng ế ẩm theo.
 

Theo các cửa hàng vật liệu xây dựng và trang trí nội thất, hiện sức mua đang trên đà giảm mạnh, doanh thu hàng tháng  đã giảm đến gần 20% so với trước Tết Nguyên đán.
 

Đối với doanh nghiệp ngành xây dựng dân dụng, giá vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng vọt ảnh hưởng mạnh đến các Công ty xây dựng, nhà thầu xây dựng bởi chi phí xây dựng tăng mạnh sẽ làm giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.


Vật liệu xây dựng tăng giá khiến các công trình, trong đó có dự án nhà ở của người dân, bị ảnh hưởng.
 

Anh Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Xu Hướng Việt cho hay, các công trình của Công ty làm hợp đồng với phía chủ đầu tư theo dạng khoán trọn gói nên khi giá thép tăng, phía nhà thầu phải chịu. Bên cạnh đó, lượng khách hàng của đơn vị cũng có nguy cơ giảm vì khách đã có kế hoạch xây nhà nhưng thấy giá tăng cao nên sẽ xem xét dời kế hoạch lại. Hoặc cũng có khách hàng vẫn tiếp tục hợp đồng làm nhưng phải cắt giảm diện tích xây dựng, hoặc giảm bớt chất lượng nguyên vật liệu ở những hạng mục khác để bù lại phần phát sinh giá sắt nên chất lượng công trình chắc chắn sẽ giảm đi.
 

Tương tự, anh Nguyễn Hữu Khoa, đại diện một đơn vị kinh doanh thép phục vụ nhu cầu xây dựng nhà xưởng khu vực Đồng Nai, Bình Dương cho hay không chỉ nhà kinh doanh "méo mặt" mà nhiều chủ thầu đã ký hợp đồng từ trước không chịu nổi. Theo anh Khoa, đã có tình trạng chủ thầu “bỏ của chạy lấy người”, chấp nhận bỏ ngang công trình để cắt lỗ vì không trụ được trước tình hình giá vật liệu tăng phi mã.

 

Khảo sát thị trường cho thấy, từ cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép như Thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, Pomina, Việt Đức, Tungho, Kyoei... đã bắt đầu tăng giá bán thép các loại. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, giá thép được liên tục điều chỉnh báo giá, có khi trong 1 tuần thay đổi vài lần giá bán. Trước tình hình giá cả vật liệu xây dựng leo thang càng lúc càng chóng mặt, ngày 19/4, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị về giá thép xây dựng.


VACC cũng cho rằng mặc dù từ đầu tháng 1/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 389 nhắc các bộ, ngành xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi mà tình hình càng phức tạp hơn, giá cả tiếp tục tăng. Việc này khiến các nhà thầu xây dựng Việt Nam gặp phải những khó khăn không cách nào tháo gỡ vì các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước, đa số đều sử dụng loại hợp đồng có giá trị cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng) nên các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt lớn này. Trong khi đó, các dự án đầu tư vốn ngân sách lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở xây dựng, không cập nhật thường xuyên nên cũng cần phải bám sát đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu một cách hợp lý hơn.

Theo đó, VACC kiến nghị Văn phòng Chính phủ có những biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng Việt Nam trong nước đang đứng trước nguy cơ phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến một cách phi mã trong quý I/2021, đặc biệt là trong tháng 4 này. So với thời điểm quý IV/2020, giá thép đã tăng 40% ở hầu hết các loại thép.
 

Không chỉ sắt thép mà trên thị trường, các loại vật liệu khác như cát, sỏi, xi măng cũng đồng loạt tăng. Nhiều đại lý kinh doanh xi măng nhận được thông báo của các nhà máy sản xuất về việc điều chỉnh giá bán như Xi măng Hoàng Long tăng 40.000 đồng/tấn, Xi măng Xuân Thành tăng 40.000 đồng/tấn đối với sản phẩm bao rời, Xi măng Bỉm Sơn tăng 30.000 đồng/tấn từ ngày 21/4…

Cát sỏi xây dựng cũng tăng giá mạnh ở hầu khắp các tỉnh, thành nhất là các địa phương có nhiều sông ngòi, địa điểm khai thác cát ở Đồng bằng sông Cửu Long… Cát xây dựng ngày càng khan hiếm, việc khai thác gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp muốn mua số lượng lớn hay ít đều phải đặt hàng trước, có khi phải đặt trước cả tháng.
 

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, trong ngắn hạn, tình hình giá vật liệu xây dựng vẫn còn rất căng thẳng. Có thể phải đến tới giữa năm, thậm chí cuối  năm, giá các loại nguyên vật liệu phục vụ xây dựng và trang trí nội thất mới có thể giảm xuống và duy trì ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang khó lường nên không có gì chắc chắn. Do vậy, cả các doanh nghiệp bán buôn vật liệu xây dựng lẫn các chủ thầu, nhà đầu tư vẫn phải tự tìm các giải pháp để khắc phục.
 

VLXD.org (TH/ Báo Đồng Nai)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.