Kinh doanh - Đầu tư

Nhập khẩu than: Cơ hội giảm giá thành cho ngành xi măng

13/03/2015 - 03:17 CH

Than là nguyên liệu đầu vào chiếm 40% chi phí sản xuất clinker và 32% chi phí sản xuất xi măng. Thời gian qua giá than trên thị trường thế giới giảm mạnh theo giá dầu, trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá than hiện đang cao hơn nhiều so với giá thế giới. Nếu được nhập khẩu than, ngành xi măng sẽ có cơ hội giảm giá thành.
Công ty xi măng Hà Tiên 1 (HT1-Hose) đang thương lượng với đối tác Indonesia để nhập khẩu than - Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dẫn nguồn phân tích của CIMB cho biết trong bản tin gửi cho khách hàng.

Sở dĩ HT1 muốn nhập than vì thời gian qua giá than trên thị trường thế giới giảm mạnh theo giá dầu. Giá than mà tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) đang bán cho HT1 là 100 đô la Mỹ/tấn, trong khi giá than tại Indonesia chỉ có 52 đô la Mỹ/tấn (giá FOB).

Nếu được nhập khẩu than, Hà Tiên 1 đang đứng trước cơ hội lớn giảm giá thành sản phẩm và qua đó có thể điều tiết giá bán buôn cũng như bán lẻ ra thị trường, giúp đẩy mạnh tiêu thụ xi măng vốn trì trệ trong một vài năm qua và chỉ khởi sắc trở lại từ giữa năm ngoái. Khi được nhập một phần tư số than cần thiết, HT1 sẽ giảm được chi phí đầu vào 8%, một tỷ lệ quá lớn trong bối cảnh kinh doanh của doanh nghiệp nói chung đang gặp không ít khó khăn hiện nay.


Than là nguyên liệu đầu vào chiếm 40% chi phí sản xuất clinker và 32% chi phí sản xuất xi măng

Có thể một số các doanh nghiệp xi măng khác cũng sẽ theo chân Hà Tiên 1 để nhập khẩu than. Tất nhiên việc nhập khẩu hàng hóa năng lượng phải được phép của các cơ quan quản lý, nhưng không có lý do gì để giữ giá than tiêu thụ nội địa ở mức chênh lệch nhiều so với giá thế giới cho dù chúng ta muốn bảo hộ tới đâu.

Bài toán nhập khẩu than của ngành xi măng cũng đặt ra vấn đề về giá thành than khai thác trong nước và việc vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu than của TKV. Nếu giá thành khai thác than của Việt Nam tiếp tục ở mức cao so với thế giới trong khi trữ lượng than có hạn, càng khai thác nhanh càng mau hết, thì có nên gia tăng sản lượng khai thác, hay nên khai thác ở mức hợp lý, còn lại cho nhập khẩu trên cơ sở cân đối cung cầu? Hơn nữa không thể để các doanh nghiệp tiêu thụ than trong nước phải chịu giá cao hơn thế giới, dẫn đến giá thành sản xuất cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngay trên chính sân nhà.

Được nhập khẩu than sẽ giúp các doanh nghiệp ngành xi măng tiết giảm đáng kể các chí phí đầu vào, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà giá xăng dầu và giá điện tăng cao.

VLXD.org

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.