Kinh doanh - Đầu tư

Cemnet: Tư duy xuất khẩu của doanh nghiệp Việt còn hạn chế

15/05/2015 - 05:26 CH

Trong một bài báo gần đây, Cemnet - Tạp chí uy tín trong ngành xi măng thế giới đưa ra những đánh giá về ngành Xi măng Việt Nam. Theo đó, ngoài tầm nhìn xuất khẩu hạn chế, ngành xi măng Việt Nam còn có nhiều điểm yếu khác.

Theo Cement: nhiều nhà sản xuất xi măng VN chỉ coi xuất khẩu là giải pháp tạm thời hoặc mang tính thời vụ.

Theo đánh giá của Cemnet, năm 2014 là một năm phục hồi của ngành khi lượng tiêu thụ tăng 15%, xuất khẩu đạt 19,5 triệu tấn. Doanh thu xuất khẩu cũng đạt gần một tỷ đôla trong khi lượng tiêu thụ trong nước đạt gần 51 triệu tấn.

Tuy nhiên, tình trạng dư cung vẫn là một trong những vấn đề nổi cộm. Việt Nam có 74 nhà máy và 21 trạm nghiền, cung cấp khoảng 80 triệu tấn xi măng/năm nhưng thị trường lại chỉ hấp thụ khoảng 50-55 triệu tấn.

Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất trong nước lại chỉ coi xuất khẩu là giải pháp tạm thời hoặc mang tính thời vụ mỗi khi nhu cầu trong nước lắng đọng chứ không có ý định phát triển dài hạn, Tạp chí Cemnet nêu những hạn chế trong tư duy xuất khẩu của doanh nghiệp Việt. Hầu hết hoạt động này mới được thực hiện một cách tự phát, chưa có sự kết hợp giữa các công ty, không có vai trò dẫn dắt của Chính phủ.

Hạn chế của cơ sở hạ tầng được cho là đang cản trở tương lai xuất khẩu. "Các nhà sản xuất chỉ có khả năng tiếp cận với cảng của chính họ hoặc cảng lân cận. Kết quả là, chỉ những công ty như Thăng Long, Chinfon, Cẩm Phả - những đơn vị có cảng riêng có thể xuất khẩu nhiều nhất. Do đó, Việt Nam cần có các nhà máy lớn đặt gần cảng với nguồn nguyên vật liệu thô tốt và công nghệ sản xuất hiện đại”, bài báo đề xuất.

Ngoài tầm nhìn xuất khẩu hạn chế, các chuyên gia còn chỉ ra nhiều điểm yếu khác của ngành như năng suất thấp, chi phí nhiên liệu cao, nguồn nhiên liệu thay thế hạn chế và gánh nặng vay nợ nhiều. Trừ một số trường hợp ở phía Nam, hầu hết các cơ sở xi măng Việt Nam không sử dụng hết công suất. Chỉ số hiệu suất sử dụng từ mức 99% năm 2010 đã giảm dần đều về 67% năm 2013 và tăng lên 72% vào năm 2014.

Theo Cemnet, hiệu suất của các nhà máy ở phía Bắc còn thấp hơn, ở mức 63%. Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp phía Nam có hiệu suất sử dụng tốt như Xi măng Sông Gianh (do Tổng công ty miền Trung sở hữu 100% vốn). Sau khi được cổ phần hóa và tái cơ cấu, đơn vị này được xem là hiện tượng khi công suất sử dụng đạt tỷ lệ 110%.

Bên cạnh đó, các công ty phải vay nợ nhiều vì sử dụng công nghệ của châu Âu với mức chi phí đầu tư cao khoảng 170-180 USD một tấn xi măng. Trong khi đó, ở Thái Lan, Trung Quốc dù dùng công nghệ này thì chi phí đầu tư vẫn thấp hơn vì họ tự thiết kế nhà máy, xây nhà máy.

VLXD.org (TH)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.