Theo ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tiền Giang cho biết, từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh tạm dừng cấp phép mới và cũng không gia hạn đối với các mỏ cát đã cấp phép trước đây, trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra sạt lở nhiều, ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên, trước nhu cầu cấp thiết đầu tư các tuyến hạ tầng giao thông hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chủ trương cho phép khai thác lại các mỏ cát trên hai nhánh sông chính là sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Qua rà soát trên hai nhánh sông này hiện có 35 khu vực mỏ cát, với trên 40 triệu m³.
Tiền Giang sẽ cấp phép khai thác cát phục vụ các công trình trọng điểm của tỉnh.
Sở TN&MT đang lập phương án quản lý và cấp phép khai thác 15 khu vực mỏ cát để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt. Sau đó, Sở xem xét từng khu vực mỏ để tỉnh cấp phép khai thác, phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, ông Phương cho biết.
Cũng theo ông Phương, trong 15 khu vực mỏ, qua thăm dò có 14 khu vực mỏ với tổng trữ lượng trên 20 triệu m³. Công suất xem xét cấp phép theo quy hoạch đã phê duyệt hơn 1,77 triệu m³/năm.
Theo ông Hà Thiện Ý, Giám đốc Sở Xây dựng Tiền Giang, nhu cầu sử dụng cát san lấp cho các công trình đầu tư công trọng điểm, các khu cụm công nghiệp, các công trình, dự án và cát san lấp của nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030 với tổng khối lượng hơn 27 triệu m³ cát.
Trong đó, khối lượng cát san lấp trên 24 triệu m³, công trình tuyến đường bộ ven biển kết nối Tiền Giang - Bến Tre khoảng 892.000m³, các công trình trên địa bàn tỉnh khoảng 1 triệu m³/năm, các hộ dân khoảng 500.000m³/năm.
Dự kiến, nhu cầu sử dụng cát san lấp trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hơn 3,3 triệu m³/năm.
VLXD.org (TH/ Giao thông)