Văn bản - Chính sách

Kon Tum: Tăng cường quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng

13/07/2023 - 03:23 CH

Theo quy hoạch được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có 199 điểm quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, có 89 điểm cát làm vật liệu xây dựng, 60 điểm đá xây dựng, 32 điểm đất san lấp và 18 điểm đất sét. Hiện nay, UBND các huyện, thành phố đang phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản trong thời gian tới; dự kiến bổ sung quy hoạch 15 điểm, gồm 11 điểm đất san lấp, 3 điểm cát làm vật liệu xây dựng, 1 điểm đất sét làm gạch ngói.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 31/12/2022, UBND tỉnh đã cấp 79 giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân tại 51 điểm quy hoạch với tổng số tiền thu thuế là 54,556 tỷ đồng; trong đó, tổng số tiền đã nộp 48,753 tỷ đồng, số tiền chưa nộp 5,804 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong quá trình hoạt động khai thác, các chủ dự án đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường và thực hiện công tác ký quỹ và cải tạo, phục hồi môi trường theo hồ sơ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Từ năm 2020 - 2022, UBND tỉnh phê duyệt 16 báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện; thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất các khu vực, địa điểm có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khoáng sản. Từ 2020 - 2022, qua kiểm tra đã phát hiện 7 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 7 tổ chức với tổng số tiền hơn 234 triệu đồng.
 

Một điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi.
 
Theo các cơ quan chức năng, công tác lập và thực hiện quy hoạch, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập. Đó là, tỷ lệ điểm quy hoạch khoáng sản được cấp phép khai thác còn thấp (51/199 điểm; chiếm 25,6%), nhất là số điểm đất san lấp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. Cụ thể, có 30/89 điểm cát làm vật liệu xây dựng thông thường được cấp phép, chiếm 33,7% so với quy hoạch; 18/60 điểm đá xây dựng được cấp phép, chiếm 30% so với quy hoạch; 2/32 điểm đất san lấp được cấp phép, chiếm 6,25% so với quy hoạch; 1/18 điểm đất sét được cấp phép, chiếm 5,6% so với quy hoạch.

Bên cạnh đó, vị trí quy hoạch một số điểm khoáng sản, bến bãi tập kết chưa đồng bộ, chưa phù hợp với tình hình thực tế; việc tổ chức triển khai thực hiện công tác đấu giá, cấp phép quyền khai thác khoáng sản các điểm quy hoạch khoáng sản còn chậm; việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp còn mang tính hình thức; các trạm cân, camera giám sát hầu như không hoạt động do thiếu nguồn điện, vị trí lắp đặt chưa phù hợp, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát khối lượng khoáng sản khai thác.

Để thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung, đưa ra khỏi quy hoạch các điểm mỏ theo đúng quy định; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố công bố, công khai quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, cụ thể loại khoáng sản, vị trí, ranh giới, tọa độ, diện tích...; phê duyệt điều chỉnh phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, giao trách nhiệm cho các địa phương quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá, cho thuê đất khu vực khai thác khoáng sản, bến bãi..., tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; thực hiện đóng cửa các điểm mỏ hết trữ lượng khai thác, không đảm bảo thủ tục pháp lý theo quy định.

Để công tác khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đi vào nề nếp, bảo đảm đúng các quy định pháp luật, chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản tại các điểm mỏ đã được cấp phép; trong đó lưu ý đến vị trí, khoảng cách, giới hạn độ sâu khai thác, hoạt động của trạm cân, camera giám sát, đúng theo thiết kế, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, kiểm tra việc cải tạo, phục hồi môi trường, đảm bảo việc cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện ngay trong quá trình khai thác khoáng sản theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đầy đủ, kịp thời.
 
VLXD.org (TH/ Báo Kon Tum)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.