Quy định pháp luật

Bắc Kạn: Đẩy mạnh phát triển sản xuất vật liệu xây dựng mới

12/06/2018 - 11:13 SA

Tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú là điều kiện thuận lợi để tỉnh Bắc Kạn phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển một số loại vật liệu xây dựng mới đó là gạch không nung và cát nhân tạo.
Toàn tỉnh hiện có 82 mỏ và điểm mỏ đá xây dựng nằm trong quy hoạch, chủ yếu là lộ thiên, phân bố rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Phần lớn các mỏ đá có điều kiện khai thác thuận lợi, nhiều mỏ vẫn chưa được thăm dò, đánh giá chất lượng, trữ lượng mỏ. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng tại địa phương. Những năm gần đây, đi đôi với việc tăng cường quản lý vật liệu xây dựng, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp phát triển vật liệu xây dựng mới dần thay thế các loại vật liệu xây dựng truyền thống. Một số doanh nghiệp trong tỉnh đã đầu tư, đưa công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường như: gạch không nung xi măng cốt liệu, cát nghiền từ bột đá.
 

Cát nhân tạo là dòng sản phẩm vật liệu xây dựng mới bắt đầu được sản xuất tại Bắc Kạn.

Số lượng cơ sở sản xuất gạch không nung tại tỉnh ta hiện nay phát triển khá nhiều, tập trung chủ yếu tại các địa phương có nhiều mỏ đá như: Chợ Đồn, Ba Bể, Na Rì, thành phố Bắc Kạn. Theo thống kê sơ bộ của ngành chuyên môn, toàn tỉnh hiện có trên 50 cơ sở sản xuất gạch không nung có công suất thiết kế từ 0,5 triệu – 1 triệu viên/năm.

Trên địa bàn tỉnh đã có 5 doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung theo quy mô công nghiệp, bao gồm: Công ty Cổ phần Tư vấn Phát triển Hạ tầng (TP. Bắc Kạn), công suất thiết kế 21 triệu viên/năm; Công ty Cổ phần Sản xuất Vật liệu xây dựng Bắc Kạn (TP Bắc Kạn), công suất thiết kế 5 triệu viên/năm; Công ty Cổ phần Hồng Hà (TP. Bắc Kạn), công suất thiết kế 7 triệu viên/năm; Doanh nghiệp tư nhân Việt Anh (huyện Ba Bể), công suất thiết kế 15 triệu viên/năm; Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Thương mại Đồng Nam (huyện Chợ Đồn), công suất thiết kế 20 triệu viên/năm. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Sao Mai Bắc Kạn (huyện Na Rì) có công suất 9 triệu viên/năm đã được cấp chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai sản xuất; dây chuyền sản xuất công suất 35 triệu viên/năm của Công ty TNHH 9999 dự kiến sẽ đầu tư tại phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Nguồn cát xây dựng tại Bắc Kạn có trữ lượng không lớn, phân bố ở các sông, suối, lẫn nhiều tạp chất. Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu và do các công trình thủy điện được xây dựng nhiều trên các sông, suối nên lượng cát được bồi lắng hàng năm do mưa lũ hầu như không còn. Toàn tỉnh hiện có 3 cơ sở được cấp phép hoạt động khai thác cát, sỏi xây dựng. Tổng năng lực khai thác cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh ước khoảng 98.000m3/năm. Việc khai thác cát tương đối khó khăn, hiệu quả thấp và khối lượng không lớn, chủ yếu phải nhập từ các địa phương khác như: Thái Nguyên, Tuyên Quang...

Cát nhân tạo là dòng sản phẩm vật liệu xây dựng mới, đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều địa phương trên cả nước. Chất lượng cát nghiền được các cơ quan chuyên môn đánh giá tốt, đảm bảo đủ điều kiện đưa vào các công trình xây dựng cơ bản và phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng chung của cả nước.  Nguồn nguyên liệu để sản xuất loại cát nhân tạo (hay còn gọi là cát nghiền) tại Bắc Kạn tương đối dồi dào với các mỏ đá rải rác tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Tuy nhiên, thời điểm này mới chỉ có doanh nghiệp duy nhất đầu tư sản xuất cát nghiền từ bột đá đó là Công ty Cổ phần Hồng Hà (TP. Bắc Kạn). Doanh nghiệp này triển khai sản xuất cát nhân tạo từ tháng 7 năm 2017, trung bình mỗi tháng sản xuất từ 4.000 – 5.000m3sản phẩm. Đây là hướng đi tiềm năng đối với ngành sản xuất vật liệu xây của tỉnh bởi hiện nay cát tự nhiên ngày càng khan hiếm, phải nhập từ các tỉnh lân cận. Sản xuất và sử dụng cát nghiền trong xây dựng đang là xu hướng tất yếu, phù hợp với định hướng phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường của ngành xây dựng.

Nhằm định hướng đúng và hiệu quả cho sự phát triển ngành vật liệu xây dựng của tỉnh, Sở Xây dựng đang hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, ưu tiên phát triển các cơ sở sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu, cát nhân tạo gắn với các cơ sở khai thác chế biến đá xây dựng, phát huy thế mạnh về nguồn tài nguyên khoáng sản đá xây dựng của tỉnh. Vấn đề đầu tư thay đổi công nghệ, xóa bỏ công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường và phát triển các công nghệ tiên tiến, sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, tránh bị tụt hậu là nhiệm vụ quan trọng của ngành xây dựng tỉnh trong thời gian tới.
 
VLXD.org (TH/ Báo Bắc Kạn)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.