Doanh nghiệp

Quảng Bình tạo điều kiện cho doanh nghiệp VLXD mở rộng thị trường

08/10/2020 - 03:05 CH

Quảng Bình hiện có các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu về chất lượng và số lượng cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh và xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một số tác động khác, từ đầu năm đến nay, việc sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Công ty CP Khoáng sản Thuận Sơn (Cụm công nghiệp Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) là một trong những doanh nghiệp sản xuất gạch không nung có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh với công suất thiết kế của nhà máy15 triệu viên/năm. Hiện, Công ty có nhiều chủng loại, mẫu mã sản phẩm, từ gạch đặc (dùng để xây móng và tường chịu lực) cho đến gạch 6 lỗ vuông có độ rỗng trên 30% (dùng để xây tường ngăn, trọng lượng nhẹ đang được thị trường ưa chuộng).

Với sự đầu tư, cải tiến về công nghệ kỹ thuật trong sản xuất, bảo dưỡng…, sản phẩm gạch không nung của Công ty CP Khoáng sản Thuận Sơn đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, phục vụ xây dựng, được khách hàng ủng hộ. Nhờ đó, các năm 2017, 2018, tình hình sản xuất gạch không nung của Công ty dần ổn định, kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, Công ty lại rơi vào khó khăn.


Gạch không nung gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường.
 
Ông Trần Xuân Giao, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Thuận Sơn cho biết:, từ khi Việt Nam công bố dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng nói chung và gạch không nung nói riêng bị ảnh hưởng lớn. Việc thắt chặt đầu tư công cũng khiến cho các công trình xây dựng ít đi, số lượng vật liệu xây dựng tiêu thụ giảm xuống. Bên cạnh đó, dù có chất lượng tốt nhưng việc tiêu thụ gạch không nung vẫn còn khó khăn do thói quen dùng gạch nung đất sét của nhiều người tiêu dùng chưa thể thay đổi ngay, trong khi các nhà máy gạch nung vẫn duy trì, phát triển.
 
Theo tính toán, ông Giao cho biết, sản lượng tiêu thụ của Công ty giảm đến 60% so với trước đây, công suất sản xuất chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Để duy trì sản xuất và trả lương cho công nhân, Công ty đã linh hoạt đầu tư sản xuất thêm sản phẩm gạch lát vỉa hè. Với nhu cầu thị trường lớn, gạch lát vỉa hè đã mang lại hiệu quả tốt, góp phần giải quyết khó khăn cho Công ty.
 
Cũng như Công ty CP Khoáng sản Thuận Sơn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạch không nung và gạch nung trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung có công suất sản xuất trung bình chỉ đạt khoảng 22% so với công suất thiết kế; sản lượng tiêu thụ giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp sản xuất gạch nung cũng có công suất sản xuất chỉ đạt hơn 50% so với công suất thiết kế.
 
Nằm trong vòng xoáy ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đang gặp khó khăn. Số lượng các công trình thi công giảm, hoạt động xuất khẩu ngưng trệ… ngành xi măng tiếp tục phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ giảm. 6 tháng đầu năm 2020, ngành xi măng sản xuất chỉ đạt khoảng 30% công suất thiết kế; tiêu thụ 1,66 triệu tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Ông Hoàng Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc thực hiện đầu tư xây dựng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh có xu hướng chậm, dẫn đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh sụt giảm.
 
Bên cạnh tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế trong khâu phát triển thị trường. Do đó, mặc dù sản phẩm xi măng có chất lượng tốt nhưng vẫn bị một số sản phẩm xi măng ở tỉnh khác cạnh tranh.

Gạch không nung là vật liệu mới, muốn người dân tiếp cận cần phải có thời gian, các công trình Nhà nước xây dựng bằng gạch không nung sẽ là minh chứng cụ thể về chất lượng, dẫn dắt thị trường cho sản phẩm này. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động đầu tư công giảm, các công trình xây dựng của Nhà nước cũng ít đi, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ của gạch không nung.
 
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Thái cho biết, Sở Xây dựng đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng. Trong đó, Sở đã kịp thời hướng dẫn, triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng được sản xuất trên địa bàn. Đồng thời, Sở cũng phối hợp với các ngành, địa phương, chủ đầu tư xây dựng và đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng vật liệu xây dựng được sản xuất, lưu thông, sử dụng trong công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Thông qua quá trình kiểm tra chất lượng, thông báo giá gốc vật liệu xây dựng, công tác thẩm định các dự án đầu tư… Sở Xây dựng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có cơ hội mở rộng thị trường cung cấp…
 
VLXD.org (TH/ Báo Quảng Bình)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.