Doanh nghiệp

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng có biểu hiện đuối sức

31/08/2020 - 08:04 SA

Thị trường bất động sản suy trầm, hoạt động đầu tư công đang được kỳ vọng là “cứu cánh” của ngành vật liệu xây dựng, nhưng thực tế không phải ai cũng bám được vào “cây cọc” này.
Khó bắt sóng đầu tư công

Hoạt động đầu tư công được Chính phủ và các bộ, ngành ráo riết đốc thúc nhiều tháng qua. Mới đây nhất, chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc về việc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sáng 21/8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lại một lần nữa quyết tâm giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng và hàng tháng sẽ họp để kiểm điểm công việc này.


Các loại vật liệu xây dựng như gạch, cát, đá gặp nhiều khó khăn.

Thủ tướng nhấn mạnh đến các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới, dự án đường cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ… và cho biết, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình giải ngân đến nay đạt hơn 42%, có tiến bộ hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo, có 11 bộ ngành, 31 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 45%. Trong đó, có 19 địa phương, 5 bộ ngành trên 60% như: Hưng Yên, Nghệ An, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Tiền Giang, Hà Nam, Hải Dương; Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Nội vụ...

Thủ tướng lưu ý vẫn còn có một số bộ, ngành, địa phương giải ngân còn chậm. Cụ thể, có có 29 bộ ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Trong đó, có 15 bộ ngành và một địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Với tiến độ và sự đốc thúc trên từ Chính phủ và các bộ, ngành, kỳ vọng ngành vật liệu được hưởng lợi theo kiểu “nước lên, thuyền lên” là có cơ sở. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp trong ngành, không phải mặt hàng nào trong nhóm vật liệu xây dựng cũng được hưởng lợi như nhau. Do đó, các doanh nghiệp vật liệu cần nghiên cứu kỹ đặc điểm của các dự án đều tư công lớn hiện nay để có chiến lược chuyển đổi sản xuất, thậm chí chuyển đổi sản phẩm cho phù hợp.

TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: “Nếu nói đầu tư công không phải là cơ hội của ngành vật liệu xây dựng thì không đúng, nhưng nó cũng không phải là cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp. Vì đầu tư công thực chất chủ yếu là làm hạ tầng giao thông, sử dụng xi măng, sắt, sỏi đá, còn gạch, ngói… gần như không dùng. Tuy nhiên, với sắt, xi măng cũng chỉ đầu tư xây dựng cầu cống mới dùng đến nhiều”.

Đồng quan điểm này, TS. Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, thực ra các dự án đầu tư công của Nhà nước lần này tập trung mạnh vào các dự án hạ tầng giao thông. Do đó, xét về góc độ kỹ thuật thì những dự án hạ tầng giao thông sử dụng rất ít các vật liệu xây dựng như gạch, đá, cát… có chăng chỉ phần nhỏ ở các dự án cầu cống, nhưng cũng chỉ ngành xi măng, cát, và sắt thép.


Nhìn từ góc độ doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, trao đổi với ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Gạch Toàn Cầu (Công ty vừa tạm thời đóng cửa ngày 1/8 vừa qua) cho biết, thực ra toàn ngành vật liệu xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn vì hoạt động xây dựng dân dụng đình trệ. Các chủ đầu tư dự án bất động sản, các hộ dân đều “tích cốc phòng cơ”, không đổ tiền ra mua bán, sắm sửa, xây cất nên giờ những doanh nghiệp vật liệu lớn nào tồn tại được cũng chỉ bởi “của để dành”.

Tuy nhiên, nếu để doanh nghiệp ngành xây dựng đóng cửa hàng loạt sẽ tạo ra một khoảng trống rất lớn sau khi nền kinh tế hồi phục. Khi đó, các doanh nghiệp vật liệu nước ngoài sẽ tràn vào lấp đầy chỗ trống này. Bởi ngành vật liệu xây dựng cũng như một ngành công nghiệp phụ trợ, làm nền cho các hoạt động kinh tế xây dựng khác.


Ngành thép điêu đứng

Ở góc độ những ngành vật liệu cụ thể, Hiệp hội Thép thế giới (Worldsteel) dự báo, nhu cầu thép toàn cầu sẽ giảm 6,4% trong năm 2020 do bị tác động trực tiếp bởi Covid-19. Trong báo cáo có tên “Triển vọng ngắn hạn” công bố tháng 6/2020, Worldsteel dự báo sản lượng thép thô toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức 1,65 tỷ tấn, sau đó tăng 3,8% lên 1,71 tỷ tấn vào năm 2021. Dự báo này dựa trên giả định hầu hết các quốc gia sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 vào tháng 6 hoặc tháng 7/2020, nhưng thực tế đến tháng 8 này, biện pháp giãn cách xã hội vẫn duy trì ở nhiều nước.

Về nhu cầu, theo ông Saeed Al Remeithi, Giám đốc điều hành của Emirates Steel, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Worldsteel, có khả năng mức sụt giảm nhu cầu thép ở hầu hết các nước sẽ không nghiêm trọng như ở cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vì Covid-19 ảnh hưởng nhiều hơn tới những ngành ít sử dụng thép như tiêu dùng và dịch vụ. Tuy nhiên, ở nhiều nền kinh tế phát triển, nhu cầu thép vẫn chưa hồi phục hoàn toàn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và hiện vẫn ở mức thấp.

Thực tế tại Việt Nam, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình sản xuất và bán hàng quý II/2020 của các doanh nghiệp thành viên VSA tiếp tục giảm, sản xuất đạt 5,4 triệu tấn, tiêu thụ gần 4,4 triệu tấn, giảm lần lượt 15% và 20% so cùng kỳ năm 2019. Không chỉ giảm sản lượng và doanh thu bán hàng tại thị trường trong nước, xuất khẩu thép các loại cũng giảm 38% so cùng kỳ và giảm 21% so với tháng 12/2019, chỉ đạt gần 300.000 tấn. Ước tính sơ bộ, trong quý I, tình hình sản xuất và bán hàng của các doanh nghiệp thép thành viên VSA giảm hơn 20% so cùng kỳ.

Xi măng khó khả quan

Với ngành xi măng, theo TS. Nguyễn Quang Cung, thị trường xi măng nội địa gần như đã đứng im tại chỗ khoảng 3 năm nay. Lượng tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 65 triệu tấn/năm.

Tại đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (mã chứng khoán: BCC), Ban lãnh đạo Công ty đưa ra nhận định, cả nước có 86 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất đạt 105,84 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước ước khoảng 69 - 70 triệu tấn, dư thừa hơn 30 triệu tấn.

Do đó, các doanh nghiệp sản xuất buộc phải xuất khẩu, áp lực về tiêu thụ xi măng nội địa rất lớn, đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ. Theo đó, năm nay, Bỉm Sơn đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 21%, tuy nhiên, lãi trước thuế trong năm nay dự kiến giảm hơn 20% so với năm 2019, đạt 155 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (mã chứng khoán: HT1) cũng đưa ra kế hoạch tăng trưởng âm với lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến giảm 11% so với cùng kỳ, xuống còn 830 tỷ đồng. Tại đại hội đồng cổ đông năm nay, Ban lãnh đạo Xi măng Hà Tiên 1 cho biết, hiện Công ty đang theo dõi, cập nhật thông tin các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, Công ty cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng do sản lượng tiêu thụ xi măng tại các dự án này chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi phân khúc tiêu thụ chủ yếu của Công ty là xây dựng dân dụng.

Theo ông Cung, ngành xi măng đang đẩy mạnh tìm kiếm thị trường ngoại quốc với số lượng tốt, ngay cả lúc này mặc dù bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành cũng có lượng xuất khẩu tốt, chỉ kém năm ngoái khoảng 4%. Tức là 6 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu xi măng đạt 94,6%, khoảng 15.586.341 tấn. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cũng chỉ ở số ít các nhà máy có quy mô lớn, dây chuyền hiện đại. Số còn lại có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên chỉ tiêu thụ trong nước.

VLXD.org (TH/ Đầu tư)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.