Vật liệu và Phong thủy

Một số lưu ý để trang trí bể cá cảnh, hồ thủy sinh hợp phong thủy

10/06/2017 - 04:13 CH

Dưới góc nhìn của khoa học phong thủy thì thú chơi bể cá cảnh - hồ thủy sinh vừa tao nhã lại vừa giúp điều chỉnh nội khí hữu hiệu. Một số lưu ý dưới đây - có thể gọi là nguyên tắc 4H - sẽ giúp giảm xấu tăng tốt, tránh lạm dụng hay phô trương khi chọn lựa và tạo tác bể cá cho nội thất gia đình.
Hữu dụng: Nhiều nhà đã khéo dùng bể cá như tấm bình phong để hạn chế tính “dương” từ ngoài tác động vào, giảm luồng đi lại trực xung, giảm tầm nhìn xuyên thấu. Cần hiểu rõ bể cá cảnh hay hồ thủy sinh vốn tụ ẩm nhiều, lại thêm hệ thống lọc, đèn sáng rực rỡ, rồi mùi nước cá, tiếng máy bơm kêu… có thể gây xáo trộn các không gian riêng tư cần nội khí âm, tĩnh lặng như phòng ngủ, phòng trẻ em. Một số nhà phố do diện tích hạn chế, thường tận dụng gầm cầu thang đặt bể cá trang trí, nhưng do bể cá thuộc âm mà gầm cầu thang lại là góc khuất, thiếu dương khí, vừa khó thao tác vệ sinh hồ cá lại vừa khó nhìn ngắm. Do đó, cần quan tâm hàng đầu đến quá trình sử dụng, bảo trì và hưởng thụ vẻ đẹp của bể cá sao cho hữu ích nhất.

Hợp lý: Theo Dịch Lý, số 1 và 6 mang hành Thủy, còn số 4 và 9 mang hành Kim (tiền tài, sinh Thủy) nên giới chơi cá cảnh thường chọn những số này ứng với số lượng cá trong bể. Tuy nhiên, vì việc liên tưởng đồng âm thì người Hoa đọc số 4 là Tứ nghe như Tử (chết) nên nhiều người kiêng số 4. Phổ biến hiện nay hay dùng phối hợp 8-9 chú cá màu đỏ, vàng, cam như cá chép Nhật, cá la hán với một chú cá đen để tạo sự đầy đủ, an lành, bền vững. Ngoài ra, những loại cá có màu ánh kim như ngân long, mã giáp… cũng khá được chuộng. Tất nhiên, số lượng và màu sắc cá trong bể còn phụ thuộc vào tương quan kích thước giữa cá với bể, với không gian chung quanh, không thể áp dụng cứng nhắc.
 

Hoàn thiện: Không nhất thiết làm bể cá đắt tiền hoành tráng mới là hợp phong thủy, mà cơ bản là sự phối hợp với bài trí nội thất toàn căn phòng để gia tăng tính hoàn thiện. Ngoài đặc tính ngũ hành cơ bản thuộc Thủy, bể cá cảnh và hồ thủy sinh còn thêm tính Mộc như cây thủy sinh, gỗ lũa; tính Kim ở kết cấu của bể: khung, giá đỡ, máng đèn…; tính Thổ: đá, sỏi, san hô; tính Hỏa: màu đỏ, tím hồng, cam của hệ thống đèn, màu của cá hay một số cây thủy sinh. Vì thế một bể cá hoàn thiện là khéo kết hợp, gia giảm các yếu tố ngũ hành kể trên sao cho tương sinh với mệnh chủ, bớt hành xung khắc, tăng hành bình hòa. Ví dụ, gia chủ mệnh Thổ thì bể cá hoàn thiện nên có nhiều cá vàng, cát sỏi màu vàng và trắng, bể có hình dáng cân đối ổn định, dùng ít cây cỏ.

Hài hòa: Cảm nhận về vẻ đẹp với mỗi bể cá cảnh đều không giống nhau, tùy người, tùy cách bố trí, do vậy một bể cá “đẹp” là khi nó hài hòa với gia chủ và không gian chung quanh trên cơ sở cân bằng âm dương, sinh khắc ngũ hành. Với gia chủ mệnh Thủy, màu chủ đạo là màu đen hoặc xanh dương, có thể gia giảm thêm màu trắng và ít màu đỏ. Mệnh Mộc sẽ cần trang trí bể cá theo gam màu xanh, bể cây thủy sinh và hạn chế cá màu trắng hay ánh bạc, ánh vàng. Gia chủ mệnh Hỏa được khuyên dùng cá vàng, cam, đỏ và kỵ cá có màu xanh và đen. Trong khi đó cá màu vàng, trắng lại khá hợp với những ai mệnh Thổ và Kim.

VLXD.org (TH)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.