Sản xuất xanh

Tổ hợp NM thép của Tập đoàn Xuân Thiện chuyển đổi công nghệ để giảm phát thải ra môi trường

24/03/2022 - 02:12 CH

Ngày 22/3, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành các quyết định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Tổ hợp dự án nhà máy thép của Tập đoàn Xuân Thiện. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc điều chỉnh về công nghệ sản xuất, công suất và tổng mức đầu tư của dự án.

Tổng quan Tổ hợp nhà máy thép của Tập đoàn Xuân Thiện đang được triển khai tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). 

Tổ hợp nhà máy thép của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt tại Quyết định số 2186/QĐ-UBND và Quyết định số 2188/QĐ-UBND vào ngày 9/10/2021 với tổng mức đầu tư là 69.000 tỉ đồng, tổng công suất 7,2 triệu tấn/năm.

Ngày 22/3, ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã ký các quyết định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Tổ hợp nhà máy thép trên của Tập đoàn Xuân Thiện. Theo đó, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 69.000 tỉ đồng lên 98.000 tỉ đồng, công suất 9,5 triệu tấn/năm. Nhưng tổng diện tích đất sử dụng cho dự án không thay đổi. Đây được xem là một trong những dự án "khủng" trên địa bàn tỉnh Nam Định, góp phần quan trọng trong định hướng phát triển công nghiệp sạch của tỉnh cũng như tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.

Các nội dung điều chỉnh hướng đến việc lựa chọn công nghệ sản xuất thép phù hợp hơn với yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường. Để giảm thiểu phát thải CO2 ra môi trường, nhà đầu tư đã thay đổi công nghệ, không dùng than cốc nữa mà chuyển sang sử dụng khí gas và khí Hydro để hoàn nguyên thép, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho hay.

Tập đoàn Xuân Thiện được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay, gồm thủy điện, điện mặt trời và điện gió. 


Sự khác nhau giữa công nghệ luyện thép truyền thống và công nghệ sản xuát thép xanh.

Trao đổi với ông Nguyễn Huy Hoàng, TGĐ Công ty CP Xuân Thiện Nam Định cho biết trước đây, với việc sử dụng than cốc để hoàn nguyên thép, mỗi tấn thép được sản xuất sẽ thải ra môi trường từ 2,0 - 2,5 tấn CO2. Khi chuyển sang sử dụng công nghệ sử dụng khí gas và Hydro để hoàn nguyên thép, có thể giảm được đến 86% lượng phát thải CO2 ra môi trường so với phương pháp cũ.

Mặc dù chúng tôi phải bỏ thêm số tiền hàng chục nghìn tỉ đồng để thay đổi công nghệ nhưng điều này là rất cần thiết, vừa đảm bảo các yếu tố về môi trường đồng thời cũng là điều kiện để thép của chúng tôi có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu - nơi mà hiện nay đang rất khuyến khích sản xuất sử dụng nguyên liệu, năng lượng sạch. Với mỗi tấn sản phẩm thép xanh hiện nay, nếu không được hỗ trợ của Chính phủ về chính sách giảm phát thải CO2, sẽ có chi phí sản xuất cao hơn thép thông thường khoảng 250EUR/tấn sản phẩm. Theo tư vấn của các đơn vị hàng đầu Châu Âu, hiện nay các nước châu Âu đang có chính sách khuyến khích giảm phát thải là khoảng từ 75 - 100EUR/tấn CO2, như vậy đã có thể cân bằng giá thành giữa việc dùng thép xanh và thép thông thường. Với thị trường Việt Nam, chúng tôi tin tưởng Chính phủ sẽ có những cơ chế tương tự để khuyến khích sản xuất thép xanh, bảo vệ môi trường, ông Hoàng chia sẻ thêm.

VLXD.org (TH/ Lao động)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.