Sản xuất xanh

Tái chế phế thải xây dựng làm vật liệu góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên

07/01/2022 - 08:33 SA

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng đã tạo ra lượng lớn phế thải xây dựng (PTXD), gây ảnh hưởng tới môi trường và tốn diện tích bãi thải. Việc tái chế những vật liệu tưởng chừng như bỏ đi này có thể đem lại nhiều ý nghĩa cả về khoa học, kỹ thuật cũng như kinh tế, môi trường.
Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng, nhiều công trình và cơ sở hạ tầng được triển khai. Những khu đô thị cũ bị xuống cấp đã và đang thay thế bằng công trình mới quy mô và hiện đại. Hệ thống giao thông cũng từng bước được cải tạo, nâng cấp và mở rộng… Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đã tạo ra lượng rất lớn phế thải công trình, làm ảnh hưởng đến môi trường và tốn diện tích bãi thải. Việc này khiến các thành phố đang phải đối mặt với thực trạng thiếu trầm trọng nơi tập kết, trung chuyển đất thải, PTXD; ngày càng khan hiếm các nguồn vật liệu tự nhiên.

Theo số liệu báo cáo từ Bộ TN&MT, mỗi ngày tại những đô thị lớn của Việt Nam như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... lượng chất thải rắn phát sinh ra môi trường khoảng 50.000 - 60.000 tấn, PTXD chiếm từ 12 - 15% tổng số lượng chất thải rắn đô thị. Trong khi đó, phương pháp xử lý phổ biến nhất hiện nay là chôn tại những bãi chôn lấp. Tuy nhiên, đó chỉ là một lượng rất nhỏ còn phần lớn PTXD vẫn hằng ngày đổ bất hợp pháp ra môi trường.
 

Quang cảnh nhà máy điện rác Sóc Sơn.

Trước việc một nguồn tài nguyên đang bị lãng phí, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, việc sử dụng PTXD làm vật liệu tái chế có thế đem lại nhiều ý nghĩa cả về khoa học, kỹ thuật cũng như lợi ích kinh tế, môi trường. Khi có thể vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, không mất diện tích đất cho bãi đổ, giảm lượng chất thải công nghiệp và tiết kiệm chi phí xử lý cũng như vận chuyển đến bãi chôn lấp, lệ phí xử lý rác thải.

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định có liên quan đến việc xử lý PTXD. Mới đây, Bộ Xây dựng đã ký văn bản gửi một số bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, nhà máy tổng hợp, báo cáo việc xử lý, sử dụng phế thải từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành và UBND tỉnh căn cứ theo nội dung, nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg tổng hợp kết quả đã thực hiện trong năm 2021. Trong đó, một số tập đoàn và các nhà máy nhiệt điện sẽ tổng hợp kết quả thực hiện đề án xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các đơn vị trực thuộc bao gồm các thông tin: Lượng phát thải và khối lượng tiêu thụ trong năm 2021 theo từng lĩnh vực (sản xuất vật liệu xây, xi măng, vật liệu san lấp...), tổng khối lượng tro, xỉ, thạch cao tồn đọng tại bãi chứa. Sau khi tổng hợp các kết quả thực hiện, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Chính phủ và đề xuất hướng xử lý.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, chuyên gia xây dựng Công ty TNHH Kiểm toán định giá và Tư vấn tài chính Việt Nam (Facom), PTXD hiện nay chưa được quản lý chặt chẽ, phân loại và tái chế, phần lớn được đổ ra các bãi rác thải sinh hoạt, lẫn với các chất thải rắn hoặc chôn lấp bừa bãi, gây lãng phí diện tích đất chôn lấp; đồng thời lãng phí nguồn VLXD mà đáng ra có thể tận dụng tái sử dụng thay thế các cốt liệu tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt.

Chính vì thế, việc nghiên cứu tái sử dụng và tái chế PTXD đã được nhiều nước trên thế giới dành nhiều quan tâm từ vài thập kỷ qua đặc biệt ở các nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu, Australia, Trung Quốc... Các dạng tái sử dụng chủ yếu như: làm lớp vật liệu nền đường, vỉa hè (lớp Base, subase), lớp đệm lót và ổn định hệ thống đường ống ngầm... Trong đó, lượng PTXD được tái sử dụng nhiều nhất làm nền đường giao thông, cốt liệu tái chế cho các loại bê tông, ông Quang cho hay.

Theo TS. Tống Tôn Kiên, Khoa Vật liệu xây dựng, trường Đại học Xây dựng, PTXD rất phong phú và đa dạng về chủng loại. Chất lượng vật liệu này cũng rất khác nhau khi thu gom từ các nguồn, công trình. Các thành phần chính của PTXD bao gồm các mảnh vỡ của bê tông xi măng; gạch đất nung, gạch ceramic ốp, lát; vữa xi măng - cát, vữa tam hợp vôi - xi măng; kính xây dựng; thạch cao xây dựng... Tất cả đều có khả năng tái chế thành các loại vật liệu thông dụng phù hợp với yêu cầu cũng như mang lại hiệu quả kinh tế khác nhau. Có thể dùng tất cả các loại phế thải xây dựng làm vật liệu san nền cho công trình, làm cốt liệu tái chế cho bê tông và vữa xây dựng, TS. Tống Tôn Kiên cho hay.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá, việc tận dụng phế thải làm vật liệu tiết kiệm nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt đang ngày đêm bị khai thác, tận dụng các loại vật liệu phế thải tại công trường giảm chi phí vận chuyển, đồng thời, tăng hiệu suất sử dụng các loại vật liệu tự nhiên. Việc sử dụng vật liệu tái chế có thể chế tạo được các loại sản phẩm có giá thành thấp hơn vật liệu chế tạo mới từ nguyên liệu tự nhiên, tăng hiệu quả dự án. Tuy nhiên hiện thực hóa, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần phải đưa ra các tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật để có thể tái sử dụng làm những loại VLXD phù hợp.

VLXD.org (TH/ KTĐT)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.