Kinh doanh - Đầu tư

Xuất khẩu đồ nội thất giảm do nhu cầu chững lại

11/07/2022 - 03:31 CH

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu ước tính từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2022 đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với tháng 6/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,03 tỷ USD, giảm 18,1%. Nguyên nhân là ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc cũng như chi phí đầu vào tăng cao do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,14 tỷ USD, giảm 4,6%.

Do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc cũng như chi phí đầu vào tăng cao vì tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, nên người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu giảm, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Vì vậy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 giảm tốc.


Xuất khẩu gỗ giảm mạnh trong tháng 6/2022. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ 5 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên trị giá xuất khẩu mặt hàng này giảm, do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường toàn cầu đang có xu hướng chững lại. Thương mại toàn cầu đang phục hồi chậm lại do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cùng với tình hình dịch bệnh bùng phát và chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc.

Đáng chú ý, trong khi các mặt hàng xuất khẩu chính giảm nhẹ, thì xuất khẩu các mặt hàng như dăm gỗ; gỗ, ván và ván sàn; cửa gỗ; đồ gỗ mỹ nghệ lại tăng trưởng khả quan trong 5 tháng đầu năm 2022.

Liên quan tới vấn đề mà ngành gỗ đang gặp phải, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết 5 tháng đầu năm 2022 tình hình xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản thuận lợi, tuy nhiên sang tháng 6, giá trị xuất khẩu quay đầu giảm.

"Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp với các hiệp hội trong ngành gỗ để giải quyết bài toán về nguyên liệu của doanh nghiệp", ông Trị chia sẻ. 

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), đại dịch Covid-19 và gần đây là xung đột Nga - Ukraine khiến cho cước vận chuyển tăng phi mã, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Bài toán đặt ra cho ngành hiện nay là làm thế nào chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu hiện đang ở con số 5 - 6 triệu m³ mỗi năm như hiện nay.

"Làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước là gỗ lớn, có chất lượng, đa dạng về chủng loại loài và bền vững? Đây là những câu hỏi hết sức cấp thiết mà ngành cần phải giải quyết trong thời gian tới nếu chúng ta muốn giữ vững lợi thế cạnh tranh của ngành", Chủ tịch Viforest nhấn mạnh.

VLXD.org (TH)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.