Kinh doanh - Đầu tư

Gỗ và lâm sản xuất khẩu ghi nhận nhiều kết quả tích cực

10/08/2024 - 07:56 SA

Ngành gỗ và lâm sản của Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong 7 tháng năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,36 tỷ USD, tương ứng với 61,5% kế hoạch năm.
Một số sản phẩm xuất khẩu chính tăng mạnh, điển hình là dăm gỗ tăng gần 38%, gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái…


Ảnh minh hoạ. Nguồn: ITN.

Theo đại diện của Bộ NN&PTNT, mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 là xuất khẩu đạt 15,2 tỷ USD, riêng gỗ và sản phẩm gỗ là trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023. Mặc dù đến thời điểm hiện nay, kim ngạch xuất khẩu tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023, ngành gỗ Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ngành gỗ và lâm sản của Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong 7 tháng năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,36 tỷ USD, tương ứng với 61,5% kế hoạch năm.

Mục tiêu đạt 15,2 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay vẫn gặp nhiều khó khăn do những biến động kinh tế toàn cầu và xung đột chính trị leo thang. Ngoài ra, chi phí vận tải biển tăng cao và việc hoàn thuế chậm trễ cũng gây thêm áp lực cho ngành.

Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn có những tín hiệu khả quan khi một số sản phẩm xuất khẩu chính tăng mạnh. Điển hình là dăm gỗ tăng gần 38%, gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự nỗ lực của các Hiệp hội và doanh nghiệp trong việc chủ động tìm kiếm thị trường mới và gia tăng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong những tháng đầu năm.

Phân tích về những khó khăn tại các thị trường chính, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, thị trường Hoa Kỳ chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, đã chứng kiến nhiều thay đổi về chính sách thương mại. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại liên tiếp, trong đó Hoa Kỳ đã tiến hành 03 vụ kiện liên quan đến ngành gỗ.

Bên cạnh đó, với việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, gây áp lực lớn lên chi phí và biên lợi nhuận.

Tại thị trường EU, Quy chế Chống mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc sản phẩm và các yếu tố liên quan đến môi trường.

Cộng hoà Liên bang Đức đã áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, yêu cầu các nhà xuất khẩu phải cung cấp thêm nhiều chứng nhận liên quan đến lao động và môi trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thị trường Đông Bắc Á, bao gồm cả Hàn Quốc và Nhật Bản, đã áp dụng các biện pháp mới làm tăng chi phí và rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hàn Quốc quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán của Việt Nam, trong khi Nhật Bản đang triển khai hệ thống mua bán tín chỉ carbon, yêu cầu tuân thủ các quy định khắt khe về khí thải đối với các sản phẩm gỗ.

Ông Đỗ Xuân Lập khuyến nghị, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên 05 trụ cột chính: Kỹ thuật, công nghệ sản xuất, giảm phát thải, quản trị (chuyển đổi số), xúc tiến thương mại và xây dựng tiêu chuẩn giám sát nội bộ.

VLXD.org (TH)

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.