Tin trong nước

Xây dựng đường bê tông xi măng: Đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn

01/08/2012 - 08:16 CH

Xây dựng đường bê tông xi măng (BTXM) được triển khai xây dựng ở nhiều nước trên thế giới và được nhắc nhiều đến trong thời gian gần đây. Xây dựng đường BTXM đang đặt ra nhiều bức thiết từ thực tiễn cuộc sống cần nhanh chóng giải quyết.


Nhiều địa phương miền núi đã làm


Ghi nhận tại tỉnh biên giới Lào Cai cho thấy: nhiều tuyến đường quốc lộ, huyện lộ, đường giao thông nông thôn, đặc biệt những huyện miền núi địa hình, địa chất phức tạp, những đoạn đường thường xuyên sảy ra mưa lũ, giao thông đi lại khó khăn thì đường BTXM được xây dựng và phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Tại Lào Cai, năm 2012, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đăng ký làm đường giao thông với tổng chiều dài 569 km, trong đó 357 km cứng hóa bê tông. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh hỗ trợ toàn bộ xi măng, ống cống và hỗ trợ một phần nhân công với tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng/1 km, nhân dân góp đá, góp công,. Tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh đã huy động nhân dân tiến hành đổ bê tông xi măng được 15 km, chiều rộng đường khoảng 3m, dày 16cm, được gia cố móng bằng đá cấp phối có lu lèn, tỉnh đã cấp phát 2.638 tấn xi măng cho các xã. Phong trào khởi công xây dựng đường tại các huyện và thành phố được đẩy mạnh, điển hình là thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, Si Ma Cai và Bảo Yên.

Không chỉ tại Lào Cai mà nhiều địa phương miền núi khác như Tuyên Quang, Lai Châu… cũng đang tích cực đẩy mạnh việc xây dựng đường giao thông nông thôn bằng BTXM.

Triển khai rộng ở nông thôn đồng bằng

Không chỉ thích hợp với các tuyến đường tuần tra biên giới, các tuyến đường ở địa phương miền núi, đường BTXM còn được triển khai xây dựng tại nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở vùng đồng bằng. Ghi nhận bước đầu cho thấy, đường BTXM không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế khá cao mà còn dễ triển khai thực hiện bởi người dân góp vốn, góp công tự làm, tự kiểm tra giám sát, nhiều gia đình còn tự nguyện hiến đất xây dựng đường.

Có thể khẳng định xây dựng đường giao thông nông thôn bằng BTXM đã trở thành phong trào, được nhiều địa phương thực hiện, đơn cử như tại tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 10/7/2012, trên địa bàn tỉnh đã có 103 xã đăng ký nhận xi măng hỗ trợ, tổng số xi măng đăng ký lên tới 131.626 tấn với chiều dài đường đăng ký thực hiện là 764,9 km; tổng chiều dài đường giao thông nông thôn đã làm được đến 10/7/2012 là 518,59 km với 3.149 tuyến đường.

Ông Mai Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẳng định: Hà Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ xi măng cho bà con ở nông thôn làm đường thôn, xóm và đường ra đồng. Đồng thời yêu cầu: các địa phương cần nâng cao chất lượng thi công đường, đặc biệt là nền đường.

Quốc lộ, cao tốc thí điểm trước khi triển khai rộng

Vai trò của đường BTXM trong xây dựng giao thông nông thôn miền núi và đồng bằng đã được khẳng định trong thực tiễn. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Thiện – Hiệp hôi Xi măng Việt Nam cho biết: đường BTXM được triển khai rộng ở giao thông nông thôn vì quy mô đường nhỏ, không đòi hỏi thiết bị công nghệ cao.

Ông Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: đường BTXM đã được áp dụng ở nước ta từ trước năm 1945, một số công trình như đoạn QL3 (Thái Nguyên - Bắc Kạn, 1980), Quán Thánh - Cửa Lò (1979), QL18 (Tiên Yên - Móng Cái), đường Hùng Vương và Quảng trường Ba Đình... đến nay vẫn được khai thác sử dụng tốt. Nhưng hiện nay chúng ta muốn triển khai rộng trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, trước mắt cần làm thí điểm một số tuyến ở địa hình, địa chất khác nhau, rút kinh nghiệm đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, suất đầu tư, hướng dẫn nghiệm thu đầy đủ…

Ông Hoàng Hà – Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng: Việc thi công xây dựng đường giao thông bằng giao thông xi măng có thể được triển khai ở đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ, có ý nghĩa quan trọng với nền đất xấu, đặc biệt thích hợp với những nơi biến đổi khí hậu. Bộ Giao thông vận tải đã lựa chọn xây dựng thí điểm tuyến đường nội bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên với tổng chiều dài 25km, thiết kế 4 làn xe bằng BTXM.

Theo baoxaydung

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.