Tin trong nước

Chạy đua tìm than

06/03/2012 - 09:49 CH

Thời điểm nhập than số lượng lớn cho hoạt động của các nhà máy nhiệt điện, chỉ còn ba năm nữa (năm 2015).
Chuyện quốc gia đang xuất khẩu năng lượng như Việt Nam lên các phương án chạy đua với thời gian để mua mỏ, mua cổ phần hay liên doanh với nước ngoài được xới lên từ vài năm trước nay chính thức được nhắc đến trong quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2030.

Chỉ một nơi khởi động


Khi nhận dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1 (1.200 MW/ dự án) từ tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào năm 2009, việc đầu tiên mà tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải làm là xác định nguồn than, mẫu than và phương án vận chuyển than đến các nhà máy.

Thiết kế cơ sở dự án nhiệt điện Long Phú 1 được Bộ Công Thương thẩm định từ lúc đó đã có yêu cầu “chủ đầu tư phải khẩn trương xác định nguồn than nhập khẩu” bởi khi Long Phú 1 vận hành từ năm 2014, mỗi năm PVN phải nhập khẩu trên 3 triệu tấn than.

Ngay năm đó, PVN đã thành lập Công ty Nhập khẩu và Phân phối than dầu khí (PV Coal) nhằm tìm nguồn than cho năm dự án nhiệt điện than có tổng công suất 6000 MW, thuộc Tổng sơ đồ điện VI và VII mà PVN thực hiện. Khi năm dự án này đi vào hoạt động, mỗi năm PVN cần 18 triệu tấn than, trong đó hầu hết phải nhập khẩu.

Thông tin từ PV Coal cho biết là công ty này đang hướng đến việc mua mỏ hoặc mua cổ phần mỏ hay liên doanh khai thác than tại Úc, Indonesia và Nga. Đặc biệt ưu tiên cho các dự án mỏ đang chuẩn bị khai thác với trữ lượng đã xác nhận là trên 30 triệu tấn với chất lượng than phù hợp yêu cầu của các nhà máy điện thuộc PVN.

Muốn là vậy, song thực tế không dễ. Dù rất tích cực nhưng hơn ba năm qua, PV Coal mới ký được thỏa thuận khung về thương mại (năm 2011) với Công ty Ensham Coal Sales (Úc) - công ty đang sở hữu ba giấy phép khai thác than có thời hạn 35 năm trên diện tích 900 ki lô mét vuông ở Queensland (trữ lượng dự kiến trên 1 tỉ tấn). Thỏa thuận trên cho phép PVN có được nguồn than dài hạn từ đối tác đến 12 triệu tấn/năm và PV Coal có thể mua ít nhất 30% cổ phần của đối tác.

Với PVN, chuyện mua mỏ hay mua cổ phần mới dừng lại ở đó. Còn các đầu mối khác sẽ phải nhập khẩu than như EVN và tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) thì còn bế tắc hơn. Một đề án khảo sát thị trường cho thấy, các nhà đầu tư Việt Nam rất khó cạnh tranh trên thị trường mua mỏ với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc do mức độ cạnh tranh rất quyết liệt, trong khi tiềm lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư ở nước ngoài và đầu tư hạ tầng liên quan đến khai khoáng, đàm phán phân chia sản phẩm... là những vấn đề mà nhà đầu tư Việt Nam chưa có kinh nghiệm...

Tính lại cách nhập cuộc


Nhưng có khó đến mấy thì việc nhập khẩu than từ năm 2015 (dự kiến 15 triệu tấn) đến năm 2020 (48 triệu tấn) để bảo đảm hoạt động của 21 nhà máy nhiệt điện, đang ngày càng đến gần và nếu không chuẩn bị từ trước thì việc bị động, thiếu hụt nguồn cung là khó tránh khỏi.

Do vậy, phương án mua mỏ ở nước ngoài dù tiềm ẩn những rủi ro nhất định (ví dụ như trữ lượng mỏ không chính xác, rủi ro về chính trị, môi trường ở địa bàn khai thác) thì các nhà nhập khẩu ở Việt Nam vẫn buộc phải tính đến.

Về mặt chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Tài nguyên, Năng lượng và Du lịch của Úc đã ký ghi nhớ ban đầu vào năm 2009 về hợp tác năng lượng. Chuyến làm việc mang tính thăm dò thị trường của Bộ Công Thương hồi đó cho thấy thiện chí của Úc là sẵn sàng đàm phán với các doanh nghiệp Việt Nam về việc bán than dài hạn, kể cả liên doanh đầu tư khai thác mỏ.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, không có thêm tiến triển gì mới trong khi cơ hội ngày càng thu hẹp do cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc vốn có quy mô tăng nguồn điện than mỗi năm đến vài ngàn MW.

Thực tế nhiều cơ hội tiếp cận đầu tư mỏ than đã bị trôi qua. Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng (trực thuộc TKV), cho biết cách đây bốn năm, TKV đã cùng với công ty của Úc như Linc Energy hợp tác để khai thác tiềm năng nhiên liệu (than và khí metan trong than) tại vùng đồng bằng sông Hồng.

Ngược lại, đã có thư ghi nhớ về việc TKV đầu tư vào đối tác Linc Energy khai thác than tại Úc (vùng Chinchilla, có trữ lượng tương đương vùng than Uông Bí). Tuy nhiên, ghi nhớ này sau đó đã bị TKV xếp xó. Hoặc ở Uông Bí, Công ty Vietmindo của Indonesia cũng đã đầu tư 100% vốn để khai thác mỏ than của Việt Nam hơn 15 năm nay nhưng TKV không nhìn sang các cơ hội tương tự ở nước họ.

Nguồn than lộ thiên ở Việt Nam dần cạn kiệt cộng với những điều kiện khai mỏ mới trở nên khó khăn khiến cho tương quan trên bàn đàm phán mua mỏ nay sẽ còn ít hơn trước nhiều.

Song, mọi cánh cửa cũng không hoàn toàn đóng. Là nước sản xuất và xuất khẩu than trong tốp đầu thế giới, bản quy hoạch ngành than đến năm 2030 của Việt Nam đã gợi mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế với việc khai thác mới 25 dự án mỏ ở Cẩm Phả, Uông Bí và xây mới các mỏ hầm lò dưới mỏ lộ thiên Khánh Hòa (đến năm 2015); khai thác thử nghiệm bể than đồng bằng sông Hồng (năm 2020)...

Theo TBKTSG

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.