Bảo vệ môi trường

Xi măng sợi góp phần phát triển bền vững

08/04/2013 - 10:03 CH

Tại Hội thảo “Sản phẩm xi măng sợi: vật liệu, công nghệ, thiết bị và ứng dụng” do Viện Công nghệ (Bộ Công thương) tổ chức tại Hà Nội mới đây, các nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đều thừa nhận tiềm năng phát triển của xi măng sợi ở Việt Nam rất lớn và DN Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu về chất lượng lẫn số lượng.


Xi măng sơi được sử dụng xây dựng trần các tòa nhà cao tầng

Hiện nay, xu hướng sử dụng các sản phẩm từ xi măng sợi như tấm lợp, tấm ốp tường, gạch lát sàn… đang ngày càng được thị trường ưu tiên lựa chọn để dần thay thế các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên như gỗ, đá, nhằm giảm thiểu tác động đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường

Trước đây, sản phẩm xây dựng phổ biến nhất là tấm lợp prôximăng sử dụng phụ gia là amiăng để làm đông cứng bề mặt sản phẩm. Đây là loại phụ gia có thể gây ung thư phổi nên đã bị nhiều quốc gia ở châu Âu và Nam Mỹ cấm sử dụng.

Tại Việt Nam, các nhà sản xuất đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng tấm xi măng sợi được sản xuất theo công nghệ đặc biệt của châu Âu, với việc sử dụng sợi xenlulo biến tính nhiệt thay thế cho amiăng. Công nghệ này có khả năng sản xuất ra những tấm  xi măng sợi nhẹ, mỏng mà vẫn có khả năng cơ lý tốt, làm tăng sức chịu lực cũng như tạo độ bền, dẻo, khả năng chống nước và mối mọt. Việc thay thế hoàn toàn nguyên liệu amiăng bằng xi măng sợi sẽ giải được mối lo về sự độc hại cả với người sử dụng lẫn môi trường sống.  Loại tấm lợp không amiang sản xuất tại Việt Nam đã được xuất khẩu đi nhiều nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Algeri….

Tuy nhiên, các công ty xây dựng trong nước vẫn chưa mặn mà với sản phẩm xi măng sợi được sản xuất trong nước mà thường sử dụng sản phẩm từ Thái Lan. Nguyên nhân là Việt Nam hiện phải nhập khẩu hoàn toàn Silica fume - chất bột phụ gia chuyên dụng trong sản xuất tấm sóng và tấm phẳng xi măng cốt sợi nên giá thành cao. Trong khi đó, tấm xi măng sợi nhập khẩu từ Thái Lan được hưởng mức thuế 0% theo Hiệp định ASEAN nên giá rẻ hơn. Ngoài ra, khâu quảng bá sản phẩm trong nước còn hạn chế.

Theo các chuyên gia, việc cần làm ngay là DN Việt Nam phải tích cực đầu tư nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm. Bởi vì theo Hiệp định ASEAN, đến năm 2018, mức thuế suất cho các sản phẩm này vào Việt Nam sẽ về 0%. Lúc đó, sản phẩm xi măng sợi trong nước sẽ phải cạnh tranh với hàng loạt sản phẩm xuất xứ từ các nước ASEAN. Khi đó, DN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Khắc phục khó khăn này, mới đây, Viện Vật liệu xây dựng đã thử nghiệm thành công việc kết hợp phế thải tro bay của nhà máy nhiệt điện Phả Lại và chất phụ gia để sản xuất xi măng sợi không amiăng tại Việt Nam. Việc tận dụng tro bay của nhà máy nhiệt điện kết hợp với Silica fume sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra các sản phẩm phù hợp cho xây dựng nhà ở và các công trình ở vùng đất yếu, các vùng có động đất.

 Kết quả thử nghiệm cho thấy những sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn về cường độ uốn, độ chống thấm nước và một số chỉ tiêu kỹ thuật khác, đồng thời được đánh giá cao về tính chất cơ lý và độ bền xi măng khi sử dụng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm ở Việt Nam. Hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm xây dựng tại Việt Nam rất lớn, vì vậy, xi măng sợi được coi là sản phẩm góp phần quan trọng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo baocongthuong

 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.