Tiêu chuẩn - Quy chuẩn

Cần sớm xây dựng quy chuẩn dùng bã thạch cao làm vật liệu san nền

23/08/2023 - 08:42 SA

Nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy sản xuất phân bón, đặc biệt là sản xuất phân bón DAP, nhiều doanh nghiệp đề nghị Bộ Xây dựng cần xây dựng quy chuẩn dùng bã thạch cao làm vật liệu san nền.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DAP - Vinachem thông tin, hiện nay, khó khăn lớn nhất vẫn là khâu tiêu thụ sản phẩm thạch cao sau chế biến, do phải chịu sự cạnh tranh áp đảo của sản phẩm thạch cao tự nhiên nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, các nhà máy xi măng vẫn còn tâm lý thăm dò nhất định khi sử dụng các sản phẩm tái chế, đây cũng là khó khăn chung của các đơn vị có sản phẩm chế biến từ nguyên liệu đầu vào là chất thải. 

Từ quý II/2021 đến nay, về cơ bản lượng tiêu thụ và chế biến thạch cao PG làm phụ gia xi măng đã đáp ứng cân bằng được lượng bã thạch cao phát sinh từ sản xuất hàng ngày của Công ty. Để giải quyết hết lượng thạch cao còn tồn trữ tại bãi chứa, cần thiết phải chế biến, sử dụng làm vật liệu san nền. Tuy nhiên, với phương án chế biến thạch cao PG làm vật liệu san nền, hiện nay vẫn phải chờ tiêu chuẩn, hoặc văn bản chấp thuận cho phép chế biến và sử dụng đối với loại vật liệu này, ông Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.
 

Cần sớm ban hành quy chuẩn dùng bã thạch cao làm vật liệu san nền nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy sản xuất phân bón, đặc biệt là sản xuất phân bón DAP.

 
Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Sơn kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành tiêu chuẩn, hoặc văn bản chỉ dẫn, cho phép chế biến, sử dụng bã thạch cao PG làm vật liệu san nền, đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương sử dụng vật liệu có nguồn gốc từ bã thải tro, xỉ, thạch cao góp phần giải quyết lượng tồn dư theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), việc nghiên cứu sử dụng bã thải gyps để sử dụng làm vật liệu xây dựng, nhất là cốt liệu trong san lấp mặt bằng, nền đường giao thông là việc làm cấp thiết và là hướng mở quan trọng để giải quyết được lượng bã thải tồn đọng hiện nay, cũng như lượng bã thải phát sinh trong quá trình sản xuất…Tuy nhiên, để sử dụng làm vật liệu xây dựng, cụ thể là cốt liệu san lấp, cốt nền đường thì các bã thải này phải được xử lý, hình thành quy chuẩn kỹ thuật và ban hành thành tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể áp dụng rộng rãi trong thực tế…

Về nội dung này, Bộ Xây dựng cho biết, về việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm đẩy mạnh việc xử lý, tiêu thụ thạch cao PG (thạch cao phốt pho được tái chế từ bã gyps) của các nhà máy sản xuất phân bón, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã chủ trì xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11833:2017 thạch cao phốt pho dùng để sản xuất xi măng.

Đồng thời, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11833:2017 cũng đã được đưa vào Quy chuẩn quốc gia về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng, hiện tại là QCVN 16:2019/BXD.

Trong thời gian vừa qua, nhiều nhà máy xi măng đã sử dụng thạch cao phốt pho thay thế một phần thạch cao tự nhiên trong sản xuất xi măng.

Về sử dụng bã gyps làm vật liệu san lấp đường giao thông, Bộ Xây dựng đã giao cơ quan chuyên môn là Viện Vật liệu xây dựng nghiên cứu, xây dựng Chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng thạch cao phốt pho làm móng đường giao thông và làm vật liệu san lấp cho công trình xây dựng. Đến nay, Đề tài đã được thông qua Hội đồng tư vấn nghiệm thu cấp Bộ và hiện cơ quan soạn thảo đang hoàn thiện để trình Bộ Xây dựng ban hành.

Liên quan tới tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11833:2017 về thạch cao phốt pho dùng để sản xuất xi măng, được biết tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho thạch cao phospho tái chế từ bã thải của quá trình sản xuất add trihydro tetraoxophosphat (H3PO4) dùng làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết cho xi măng.

Yêu cầu kỹ thuật đối với thạch cao phospho, trong đó tiêu chuẩn quy định hàm lượng CaSO4.2H2O, %, không nhỏ hơn 75; Hàm lượng phospho pentoxide hòa tan (P2O5 hòa tan), %, không lớn hơn 0,1; Hàm lượng phospho pentoxide tổng (P2O5 tổng), %, không lớn hơn 0,7; Hàm lượng fluoride tan trong nước (Fhòa tan), %, không lớn hơn 0,02; Hàm lượng fluoride tổng (Ftổng), %, không lớn hơn 0,6; pH, không nhỏ hơn 6,0; Độ ẩm, % (*); Chỉ số hoạt độ phóng xạ an toàn (I), không lớn hơn 1.
 
VLXD.org (TH)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.