Quy định pháp luật

Luật Xây dựng (sửa đổi): Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng

22/08/2013 - 09:04 SA

 Ngày 02/08, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Quốc hội khóa XIII phối hợp với Ban Soạn thảo dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) tổ chức Hội thảo khoa học về Dự án Luật này.


Luật Xây dựng (sửa đổi): Giải quyết những bất cập trong hoạt động xây dựng


Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học cho biết, Luật Xây dựng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004. Qua gần 9 năm triển khai, Luật Xây dựng và các văn ban hướng dẫn của Chính phủ đã đi vào cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kể cả trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng cũng như hoạt động xây dựng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện cần phải sửa đổi. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung luật Xây dựng là hết sức cần thiết và cấp bách.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trình Đình Dũng, Trưởng Ban Soạn thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Xây dựng điều chỉnh đối với hoạt động đầu tư xây dựng trong các dự án đầu tư xây dựng sử dụng mọi loại nguồn vốn khác nhau và xuyên suốt toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng (quá trình tạo lập ra sản phẩm công trình xây dựng), bao gồm các khâu: Lập quy hoạch xây dựng, lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD), khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, cho đến nghiệm thu, bàn giao đưa công trình xây dựng vào khai thác, sử dụng và bảo hành, bảo trì, bảo hiểm công trình xây dựng.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng như dự thảo đã thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 228/TB-CP ngày 02/7/2013 của Văn phòng Chính phủ về xử lý mối quan hệ giữa Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công, đó là: Đối với các dự án đầu tư có xây dựng công trình từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thì Luật Xây dựng không điều chỉnh việc phân bổ vốn và quản lý vốn đầu tư mà tập trung điều chỉnh việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án và các yếu tố đặc thù mang tính kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành như: Quy hoạch xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế xây dựng, định mức, đơn giá xây dựng, tổng dự toán, chất lượng, an toàn công trình xây dựng... Quan điểm này cũng đã được đại đa số các thành viên Chính phủ (19/26) tán thành.

Để khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, làm giảm chất lượng công trình, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tại các dự án sử dụng vốn nhà nước, Luật Xây dựng được sửa đổi theo hướng các dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau được quản lý theo các phương thức và mức độ khác nhau. Theo đó, đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài nhà nước thì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tập trung quản lý về: Quy hoạch xây dựng, quy chuẩn tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và các vấn đề liên quan đến quốc phòng an ninh; riêng đối đối với các dự án có sử dụng vốn nhà nước thì ngoài các nội dung trên, cơ quan quản lý nhà nướcchuyên ngành còn phải quản lý chặt chẽ về chất lượng và chi phí đầu tư xây dựng ngay từ khâu “tiền kiểm” thông qua việc thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán, nhằm nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong công tác quản lý dự án, nhất là với các dự án sử dụng vốn nhà nước, Luật Xây dựng quy định mô hình tổ chức BQLDA theo khu vực để quản lý đồng thời một số dự án sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn, dự án theo tuyến, hoặc mô hình BQLDA chuyên ngành để quản lý đồng thời các dự án chuyên ngành (như xây dựng dân dụng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, giao thông, thủy lợi, thông tin truyền thông...), đồng thời làm rõ thêm về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và các nội dung quản lý của Chủ đầu tư, BQLDAvà các chủ thể tham gia thực hiện dự án ĐTXD. Mô hình tổ chức BQLDA khu vực hoặc BQLDA chuyên ngành (BQLDA chuyên nghiệp) như dự thảo Luật Xây dựng cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Luật cũng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến vấn đề lập, thẩm định, phê duyệt dự án ĐTXD công trình và thiết kế cơ sở, về quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng, quy hoạch xây dựng…

Tăng cường hơn nữa vai trò quản lý của nhà nước




Đánh giá cao Luật Xây dựng (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng ban Luật pháp chính sách Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Uỷ viên Ủy banPháp luật Quốc hộicho rằng, Bộ Xây dựng đã chuẩn bị rất đầy đủ, công phu, thuyết phục trong tờ trình. Bà Khánh cũng đánh giá cao tinh thần tiếp thu ý kiến của của Bộ Xây dựng để xây dựng Luật tốt hơn.

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) có bước tiến tích cực về chất lượng để đảm bảo cho ngành Xây dựng Việt Nam phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, bà Khánh cũng đề nghị nên thể hiện rõ hơn nữa vai trò về quản lý nhà nước, nêu rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng, các bộ, ngành đến đâu, kể cả các vấn đề liên quan đến chính quyền địa phương. Đồng thời, tại Điều 11 nên có những chính sách khuyến khích nhưng cũng nên có sự hạn chế, như việc sử dụng các vật liệu rẻ, gây tác hại đến môi trường… Trong Điều 12 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, cần có quy định nghiêm cấm việc sử dụng các loại gỗ quý, vật liệu không rõ nguồn gốc trong các hoạt động xây dựng để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần nghiêm cấm các cán bộ công chức không thực hiện đúng, kịp thời chức năng nhiệm vụ trong quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát các hoạt động xây dựng…

Đồng ý kiến với bà Khánh, các đại biểu đánh giá cao Luật Xây dựng (sửa đổi) do Bộ Xây dựng soạn thảo. Theo các đại biểu, Luật Xây dựng (sửa đổi) đã kế thừa những kết quả đạt được của Luật Xây dựng và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, đồng thời, cơ bản khắc phục những tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đóng góp cho Luật Xây dựng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT thống nhất ý kiến của Bộ Xây dựng về phạm vi điều chỉnh, nội dung thiết kế cơ sở cần quy định trong nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi ĐTXD và các quy định về bảo hiểm đối với người sử dụng công trình xây dựng, vai trò của BQLDA… Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị Ban Soạn thảo nên tham khảo thêm mô hình tham khảo đầu tư công của Nhật, Hàn Quốc… là những nước có quy định rất chặt chẽ, và có những điều kiện nhất định để thành lập các BQLDA, có các BQLDA chuyên ngành để quản lý một cách đồng bộ. Đồng thời, có quy định trách nhiệm cụ thể trong nội dung quản lý nhà nước về xây dựng của các bộ quản lý chuyên ngành, của UBND các cấp. Theo Thứ trưởng, khi quy định trách nhiệm của các bộ quản lý chuyên ngành sẽ nâng cao trách nhiệm của các bộ trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dự án chuyên ngành.

Ghi nhận những đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Trình Đình Dũng cho biết, Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Luật Xây dựng (sửa đổi). Theo Bộ trưởng, Luật Xây dựng (sửa đổi) không phải chỉ làm cho ngành Xây dựng, mà là vì sự phát triển của đất nước. Bộ Xây dựng là Ban Soạn thảo, nhưng rất cần có sự đóng góp của các chuyên gia, các bộ, ngành cũng như các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng và ý kiến của người dân.

Bộ trưởng cho biết, Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu liên quan đến vấn đề cụ thể hơn nữa vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước, để nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát nguồn vốn nhà nước, bởi đầu tư xây dựng chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó vốn nhà nước chiếm khoảng 40%. Ban Soạn thảo cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục làm rõ, cụ thể hơn các quy định liên quan đến giám sát động đồng, cụ thể hóa nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, việc thanh tra, kiểm tra xử lý tranh chấp… theo đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện hơn nữa Luật Xây dựng (sửa đổi).

Theo baoxaydung

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.