NGHIÊN CỨU - ỨNG DỤNG

Thiết bị sản xuất cát xây dựng từ đá

05/08/2010 - 03:11 CH

Cuối tuần trước tại mỏ đá Phước Hòa, xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, KS. Trần Quốc Anh ở Công ty Tân Đại Lợi (Q.5, TP.HCM) và nhóm cộng sự đã vận hành thử nghiệm thành công thiết bị sản xuất cát cho ngành xây dựng từ nguyên liệu là đá. Từ trước đến nay loại thiết bị này sử dụng ở Việt Nam đều là nhập ngoại của Nga, Trung Quốc… Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp trong nước đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công được thiết bị nói trên.

Các thông số kỹ thuật chính của thiết bị như sau: năng suất từ 100 - 250 tấn/giờ; từ nguyên liệu là đá (kích thước khoảng 70 mm, độ ẩm khoảng 6%) thiết bị sẽ cho ra thành phẩm khoảng gần 50% cát (0 - 5 mm); khoảng hơn 20% đá mi (5 - 10 mm); và gần 30% đá 10 - 20 mm. Máy có điện thế 380 volt, 50 Hz, mức tiêu thụ điện khoảng 4 kWh/tấn sản phẩm.  

KS. Trần Quốc Anh, tác giả của nghiên cứu này cho biết, thiết bị được sản xuất theo mẫu của Nga, có cải tiến thay đổi một số tính năng cho phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam; chỉ sử dụng một số chi tiết nhập khẩu cho phần “ruột” của thiết bị như động cơ điện, cánh gia tốc… do trong nước chưa sản xuất được, còn lại phần “thân” và nhiều bộ phận phụ trợ khác đều được chế tạo trong nước.  

Sau gần 2 năm tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và hơn 2 tháng vận hành thử nghiệm, thiết bị sản xuất cát xây dựng từ đá của Công ty Tân Đại Lợi chế tạo đã hoạt động khá tốt. Ông Nguyễn Minh Hiệp, giám đốc Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Phước Hòa (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) - đơn vị đang sử dụng thử nghiệm thiết bị này nhận xét: “Chất lượng hoạt động của thiết bị “nội” như vậy là đạt yêu cầu. Do mới vận hành thử nghiệm trong thời gian chưa dài nên tôi phải có thêm thời gian để so sánh đánh giá chính xác hơn về các thông số kỹ thuật, hiệu quả kinh tế… so với thiết bị “ngoại”. Song có thể nói với kết quả bước đầu như vậy thì không có gì đáng phàn nàn”. 

Theo ông Nguyễn Quang Chánh, giám đốc Công ty Tân Đại Lợi cho biết, xuất phát từ nhu cầu trong nước, nhiều năm trước đây, Công ty Tân Đại Lợi đã nhập về thiết bị sản xuất cát xây dựng từ đá của Nga (hãng OAO Drobmash). Sau một thời gian làm đại diện tại Việt Nam cho hãng OAO Drobmash, ông Nguyễn Quang Chánh cho rằng cần phải “nội địa hóa” loại thiết bị này, có như vậy giá thiết bị mới hạ và sẽ phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đang ngày càng nhiều trong nước. Nghĩ vậy, ông Nguyễn Quang Chánh đã xúc tiến đàm phán về vấn đề sở hữu trí tuệ với đối tác Nga, đồng thời lập nhóm chuyên gia trong nước để thực hiện kế hoạch nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị sản xuất cát cho ngành xây dựng từ nguyên liệu là đá “made in Việt Nam”. Ông Nguyễn Quang Chánh cho hay, thiết bị đầu tiên này sẽ tiếp tục được hoàn thiện, sau đó sẽ chuyển giao cho Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Phước Hòa (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Ngay sau thành công đầu tiên này, Công ty Tân Đại Lợi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của một số tỉnh, thành trong cả nước. Theo kế hoạch dự kiến, Công ty Tân Đại Lợi sẽ xúc tiến việc vay tiền từ Quỹ phát triển KHCN của TP.HCM để tập trung từ nay đến cuối năm sản xuất thêm 5 dây chuyền tương tự. Ông Nguyễn Quang Chánh khẳng định chất lượng sử dụng của thiết bị “nội” gần như tương đương thiết bị ngoại. Riêng về giá cả thì rẻ hơn khoảng 30%.

Theo Khoa học phổ thông#

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.