Thị trường xi măng

Xi măng Việt Nam hướng đến phục hồi vào năm 2026

17/09/2024 - 04:51 CH

Ngành Xi măng Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, khi Bộ Xây dựng báo cáo sản lượng và doanh số bán hàng giảm mạnh trong suốt năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024.
Năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng giảm xuống 76,93 triệu tấn so với tổng công suất 143,46 triệu tấn năm 2022, dẫn đến việc đóng cửa 42 trong số 92 dây chuyền sản xuất trong 6 tháng, một số dây chuyền phải ngừng hoạt động hoàn toàn. 

Tình hình không khá hơn vào năm 2024, với sản lượng dự báo sẽ giảm thêm so với 2023 khiến hệ số huy động công suất chỉ còn dưới 60%.

Xuất khẩu xi măng dễ bị tổn thương

Trước đây, Việt Nam được coi là đi theo bước chân của Trung Quốc về mặt tăng trưởng tiêu thụ xi măng. Nhiều người kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ đạt được thị phần tiêu thụ xi măng cao so với GDP, chỉ đứng sau Trung Quốc trong số các nền kinh tế đang tăng trưởng. Mặc dù xu hướng này ban đầu được duy trì khá tốt khi quá trình đô thị hóa và bùng nổ cơ sở hạ tầng của Việt Nam thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ. Nhưng quỹ đạo này đã thay đổi sớm hơn dự kiến. Tiêu thụ xi măng trong nước giai đoạn 1 đạt đỉnh vào năm 2010 ở mức 50,2 triệu tấn.
 

Vào khoảng thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng bất động sản đầu tiên và sau một thời gian phục hồi ngắn, khối lượng lại đạt đỉnh ở mức 63,95 triệu tấn vào năm 2018. Kể từ đó, thị trường đã bước vào thời kỳ suy thoái kéo dài hơn, với tỷ lệ tiêu thụ trên GDP giảm đều. Xu hướng giảm này lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2022 sau các vụ việc vi phạm của một số nhà phát triển bất động sản nổi tiếng, khiến thị trường bất động sản đóng băng và khiến nhu cầu xi măng trong nước giảm mạnh 16,4% xuống còn 56,62 triệu tấn vào năm 2023.

Thành công ban đầu của Việt Nam trong tăng trưởng công suất xi măng được thúc đẩy bởi xuất khẩu clinker mạnh mẽ, đặc biệt là sang Trung Quốc, nơi đã hấp thụ phần lớn nguồn cung dư thừa trong nước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng do xuất khẩu này đã bị suy yếu đáng kể khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm. Xuất khẩu clinker của Việt Nam sang Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề vào năm 2022, giảm từ 21,91 triệu tấn vào năm 2021 xuống chỉ còn 3,2 triệu tấn khi Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu, về cơ bản đã loại bỏ 22 triệu tấn do các vấn đề khủng hoảng xây dựng. 

Sự sụt giảm mạnh này đã khiến Việt Nam phải vật lộn với vấn đề cung vượt cầu, buộc nhiều nhà sản xuất phải cắt giảm, giãn hoãn hoặc ngừng sản xuất một số dây chuyền có thời hạn. Sự sụt giảm trong xuất khẩu đã đưa khối lượng xuất khẩu clinker của Việt Nam trở lại mức thấp từ trước năm 2015, nhưng với giá thấp, thậm chí dưới giá thành. Điều này làm nổi bật tính dễ bị tổn thương khi phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu duy nhất.

Gần đây, một số thị trường xuất khẩu chính như Philippines, Đài Loan… đã điều tra chống bán phá giá và áp thuế lên một số sản phẩm xi măng Việt Nam, khiến việc xuất khẩu càng khó khăn. 

Triển vọng xi măng Việt Nam

Nhìn về tương lai, ngành Xi măng Việt Nam đang phải đối mặt với một chặng đường đầy thách thức để phục hồi. Bộ Xây dựng đã khuyến nghị thúc đẩy đầu tư công và đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng, cùng với việc giải quyết các vấn đề đang diễn ra trên thị trường bất động sản. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất sử dụng nhiều hơn các cầu cạn bê tông cốt thép trong các dự án đường cao tốc để giúp hấp thụ lượng xi măng tồn kho hiện tại.


Dự kiến sẽ có sự tăng trưởng nhất định về mức tiêu thụ vào năm 2025, với mức tiêu thụ xi măng dự kiến sẽ tăng khiêm tốn 4,5% lên mức 57,18 triệu tấn, phản ánh những dấu hiệu phục hồi ban đầu khi các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, thị trường xi măng có thể không tăng trưởng đáng kể cho đến năm 2026, khi mức tiêu thụ xi măng nội địa dự kiến sẽ tăng trưởng 10,2% lên mức 65,86 triệu tấn.

Để phát triển bền vững, các nhà quản lý và lãnh đạo ngành đang kêu gọi các chính sách của chính phủ khuyến khích đầu tư vào các loại vật liệu xây dựng tiên tiến, tiết kiệm năng lượng,  phù hợp với các mục tiêu giảm phát thải và xanh hóa. Khi Việt Nam vượt qua những thách thức phức tạp này, làm thế nào để cân bằng giữa ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ rất quan trọng để phục hồi ngành Xi măng trong dài hạn.

Nguồn: cemnet.com

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.