Doanh nghiệp

Vĩnh Long: Doanh nghiệp sản xuất gạch gốm cầm chừng

08/11/2018 - 09:43 SA

Không chỉ lo lắng về tình trạng nguồn nguyên liệu đang ngày càng khan hiếm, nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch gốm càng rầu hơn khi nhiên liệu liên tục đội giá. Khó chồng khó, nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng.
Nhiên liệu tăng, nguyên liệu cạn kiệt

Theo Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất gạch gốm tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp cho hay, những tháng gần đây, giá nhiều loại nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao so với cùng kỳ trong khi giá gạch gốm thành phẩm không tăng bao nhiêu, khiến doanh nghiệp gặp khó.

Cụ thể, nguồn đất sét tại tỉnh không còn nhiều, doanh nghiệp phải tìm đến các tỉnh,thành khác để tìm mua, tuy nhiên cũng khan hiếm do địa phương khác hạn chế khai thác nguồn tài nguyên đất sét. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển cũng tăng theo.


Nhiều doanh nghiệp, cơ sở hoạt động cầm chừng để giữ mối.

Bà Đoàn Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động nhưng sản xuất không nhiều.

So với năm trước, giá nguyên liệu năm nay tăng cao, trong đó, nguồn đất sét khan hiếm, giá đất thô tăng 10 - 20%, giá trấu ở mức cao hơn 20% so cùng kỳ, giá nhân công cũng tăng theo, song giá thành phẩm không tăng do tăng thì sẽ khó cạnh tranh.

Theo nghề gần 30 năm, anh Huỳnh Phước Tân, Chủ cơ sở sản xuất gạch Tây Sơn (xã Nhơn Phú, Mang Thít) cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn đất sét ở Vĩnh Long đã dần cạn kiệt, tôi phải đến Hậu Giang, Trà Vinh để tìm mua đất sét nhưng cũng trần thân mới mua được.

Bên cạnh đó, giá trấu cũng tăng mạnh khiến doanh nghiệp càng khổ sở hơn. Nhiều doanh nghiệp cho hay, do hiện nay nhiều khu công nghiệp thành lập, công ty nào có sử dụng nhiệt sẽ dùng trấu để làm chất đốt sinh nhiệt.

Do đó, không chỉ các lò gạch cạnh tranh với nhau để mua trấu mà còn cạnh tranh với cả công ty ở khu công nghiệp. Củi trấu, trấu viên “được nước” đội giá.

Anh Huỳnh Phước Tân cho biết thêm, mấy năm trước, vào vụ thu hoạch lúa, trấu chỉ có 400 - 500 đ/kg, nhưng nay tăng lên 1.000 - 1.200 đ/kg, có thời điểm tăng lên đến 1.600 đ/kg. Các cơ sở hoạt động theo lò truyền thống chịu đâu có nổi. Còn các cơ sở vốn mạnh một chút thì cũng “ngất ngư”.

Ông Phan Cảnh, Phó Phòng Kinh tế và Hạ tầng Mang Thít cho hay, hiện nay trên địa bàn huyện có 176/768 cơ sở sản xuất gạch với 183 lò tròn truyền thống hoạt động; 7 cơ sở với 9 lò Hoffman, 17 cơ sở với 19 lò nung liên hoàn và 9 cơ sở sản xuất gốm đang hoạt động.

Do giá nguyên liệu sản xuất ở mức cao, sản phẩm tiêu thụ chậm, thiếu nhân công nên các cơ sở sản xuất gạch gốm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp hoạt động “cầm hơi”


Giá trấu tăng mạnh, lò gạch gốm càng thêm khó.

Từng là nơi sản xuất gạch gốm nhiều nhất nhì trong huyện, nhưng nay xã Nhơn Phú (Mang Thít) chỉ còn vài chục lò gạch. Ông Võ Thanh Tú, Phó Chủ tịch xã Nhơn Phú cho hay, bên cạnh việc các lò truyền thống không còn khả năng hoạt động thì phần lớn cơ sở còn lại cũng hoạt động cầm chừng.

Chủ một cơ sở sản xuất gạch gốm ở Long Hồ cho hay, tuy sản xuất gặp khó nhưng vẫn ráng đeo bám, bởi từ nay đến cuối năm là mùa xây dựng, nhu cầu gạch cao nên cơ sở sản xuất cầm chừng để giữ mối, đồng thời, có sản xuất thì mới có nguồn trấu lâu dài, ngưng hoạt động bây giờ là nguồn trấu sau này cũng đứt luôn.

Để giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn chuyển đổi lò truyền thống sang lò nung liên hoàn, lò Hoffman. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã chuyển đổi, tình hình sản xuất cũng chưa mấy khả quan.

Anh Huỳnh Phước Tân cho hay, trước đây, cơ sở tôi hoạt động theo lò tròn truyền thống, nhưng chi phí cao quá, lại thêm ô nhiễm môi trường nhiều nên tôi tháo dỡ hết để đầu tư 52 mẻ lò. Tuy chi phí có giảm hơn khoảng 25% nhưng chi phí đầu tư dạng này rất cao, đầu ra cũng chỉ tạm ổn.

Ông Võ Thanh Tú cho biết, bên cạnh khảo sát nhu cầu tháo dỡ lò truyền thống, hiện địa phương cũng đã có kế hoạch hỗ trợ cho các cơ sở có khả năng chuyển đổi sang lò nung liên hoàn hoặc lò Hoffman, đồng thời quy hoạch sản xuất theo cụm.

Để khôi phục lại vương quốc gạch gốm, Sở Công thương tỉnh đã có Đề án nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long, tổ chức lại ngành sản xuất gạch gốm tỉnh và hỗ trợ chuyển đổi mô hình lò nung gạch trên địa bàn huyện Mang Thít, Long Hồ.

Tuy nhiên, theo nhiều chủ doanh nghiệp, để sản xuất gạch gốm lấy lại vị thế vốn có, cần sự nỗ lực của doanh nghiệp lẫn sự giúp sức của ngành chức năng.

Do đó, bên cạnh việc doanh nghiệp chủ động thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, ngành chức năng cần quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở, doanh nghiệp gạch gốm trong việc tiếp cận mở rộng thị trường, chuyển giao công nghệ, vay vốn từ ngân hàng...

VLXD.org (TH/ Báo Vĩnh Long)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.