Doanh nghiệp

ĐBSCL: Giá cát nhảy múa, doanh nghiệp điêu đứng

23/08/2023 - 02:09 CH

Các doanh nghiệp xây dựng, san lấp mặt bằng ở miền Tây đang "điêu đứng" do giá cát tăng mạnh theo từng ngày nhưng muốn mua cũng không có hàng vì nguồn cung cát bị đứt gãy khi nhiều đơn vị khai thác cát chỉ hoạt động cầm chừng.
Ông H., một chủ thầu xây dựng tại thị xã Tân Châu, An Giang, cho biết nhiều công trình dân dụng nhà ở, trường học hay công trình san lấp trên địa bàn phải "đứng kim", do không mua được cát dù giá tăng hằng ngày. Cụ thể, vào đầu tháng 8, giá cát mua từ người dân chở ghe bán vào khoảng 120.000 - 130.000 đồng/m³. Đến nay giá cát đã lên 160.000 đồng/m³ nhưng có tiền cũng không mua được, nên các công trình bị đứng bánh hết, ông H. nói.

Theo ông Bùi Văn On, Phó Giám đốc Công ty Phúc Thành (thị xã Tân Châu), giá cát sắp tới sẽ tiếp tục tăng nữa vì nguồn cung đang khan hiếm. Thậm chí nhiều người phải mua cát Campuchia về san lấp nền, vì tìm nguồn cát khó khăn quá. Sau vụ khai thác cát trái phép bị Bộ Công an bắt, ai làm ngành cát cũng ngán ngại. Chỉ có mấy cây cần xáng cạp cung cấp cho hai tuyến cao tốc ở Đồng Tháp và một số dự án trọng điểm của Đồng Tháp nhưng lượng cát không nhiều như trước, ông On nói thêm.


Tại một số địa phương khác như TP. Cần Thơ, Vĩnh Long và Sóc Trăng..., các doanh nghiệp xây dựng, san lấp mặt bằng dự án, cửa hàng vật liệu cũng "khóc ròng" vì giá cát tăng cao và khan hiếm. Cụ thể, cát san lấp bán tại bãi có giá tương đương với cát xây dựng, khoảng 330.000 đồng/m³, tăng khoảng 10.000 đồng/m³ so với tuần trước nhưng nhiều điểm cung cấp cát cũng không còn hàng.

Chủ doanh nghiệp Diệu Nở (Vĩnh Long) cho biết bãi cát của Công ty đã cạn sạch, nguồn cát kinh doanh được các doanh nghiệp khác chia sẻ lại. 

Ông Nguyễn Anh Liêm - một nhà thầu xây dựng tại Sóc Trăng cho biết gần một tháng nay, việc tìm mua cát san lấp còn khó hơn "lên trời". Ông Liêm đã ký hợp đồng san lấp cho một dự án, nhưng nhiều ngày qua công việc đình trệ hoàn toàn do không mua được cát. Chấp nhận mua cát san lấp với giá cao hơn, khổ nỗi tìm không được người bán, đành năn nỉ cho kéo dài thời gian san lấp, ông Liêm than vãn.

Ông Phát Hùng - chủ một doanh nghiệp mua bán vật liệu xây dựng tại Sóc Trăng cũng cho biết đã phải mua cát nhập khẩu với giá cao hơn khoảng 50.000 đồng/m³ để đảm bảo nguồn cung cấp cát xây dựng dân dụng. Nhưng không phải lúc nào cũng có, vận chuyển xa và họ làm chảnh, rất khổ sở, ông Hùng cho biết.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang cho biết nguồn cát cung cấp cho các công trình đang thiếu hụt, không đủ cung ứng cho nhiều công trình sử dụng ngân sách. Riêng tuyến N1, đoạn Tân Châu - Châu Đốc còn thiếu 172.000m³ cát. Vì nguồn cát không cung cấp kịp thời đã ảnh hưởng đến tiến độ. Các công trình do cấp huyện quản lý còn thiếu hụt cát nặng hơn nữa, vị này nói.
 
VLXD.org (TH)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.