Nhà rội (nhà rọi) là loại nhà thường có 3 gian gồm một gian hai chái, mỗi vì có 3 cột chôn xuống đất, cột giữa nhô cao đến tận đỉnh nóc, tạo ra kiểu vì kèo chữ thập chống đỡ trực tiếp nóc mái [5]; nhà rội giống nhà vì kèo 3 cột của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vật liệu xây dựng nhà rội gồm vì kèo bằng tre, luồng; vách bằng phen tre đan hoặc phên tre trát bùn; mái lợp tranh hay rơm, rạ.
Nhà rường là loại nhà có bộ vì kèo với những con rường chồng lên nhau, nhà thường có 5 gian gồm 3 gian 2 chái. Vật liệu xây dựng nhà gồm bộ vì kèo bằng gỗ chắc chắn, tường thưng bằng ván gỗ hoặc kết hợp với xây tường gạch bao che, mái lợp ngói hoặc tranh, rơm, rạ.
Nhà lá mái là loại nhà rường nhưng mái lợp tranh, đặc biệt mái nhà có hai lớp gồm một lớp mái thứ nhất bằng đất nện để khô và lớp mái thứ hai lợp bằng tranh để chống nóng và chống cháy, được đỡ bằng những phên tre đan được bó bằng đất cẩn thận, khoảng cách giữa hai lớp mái khoảng 40 cm [1]. Như vậy, có thể thấy vật liệu sử dụng được dùng để xây dựng các loại hình nhà ở truyền thống vùng Bắc Trung Bộ trước đây đều là những vật liệu sẵn có tại địa phương, vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ, tre, gianh, rơm, rạ, gạch, ngói, đá.
Những năm gần đây, do có nhiều loại vật liệu xây dựng mới như thép, nhôm, kính, tôn lợp mái, tấm fibroximăng,… với sự tiện lợi, thi công nhanh và nhất là giá thành phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người nông dân nên họ thường sử dụng các loại vật liệu mới này thay thế cho các loại vật liệu truyền thống trước kia.
Tuy nhiên, khi dùng các loại vật liệu mới nêu trên thực tế đã nảy sinh một số nhược điểm sau: 1) Không thân thiện với môi trường; 2) Không khai thác được vật liệu sẵn có tại địa phương; 3) Không phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt nóng khô với gió Lào của vùng Bắc Trung Bộ. Trong đó, nhược điểm được cho là lớn nhất của các vật liệu mới do tiêu tốn năng lượng làm mát không cần thiết đồng thời ảnh hưởng đến khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu đặc trưng của vùng Bắc Trung Bộ.
Hình 1. Sử dụng vật liệu truyền thống trong xây dựng nhà ở nông thôn tỉnh Thanh Hóa. [6]
Vì vậy, mục đích của bài viết tập trung vào nghiên cứu đề xuất việc ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng nhà ở nông thôn vùng Bắc Trung Bộ nhằm đảm bảo kiến trúc nhà ở nông thôn bền vững, thích ứng với điều kiện khí hậu vùng miền, giúp người dân vừa có ngôi nhà ở bền chắc, tiết kiệm năng lượng vừa thân thiện với môi trường. Bài viết cũng tập trung vào nghiên cứu ứng dụng vật liệu riêng cho nhóm nhà ở nông thôn xây dựng theo kiểu kiến trúc nông thôn truyền thống. Mặc dù vậy, những loại hình nhà ở xây dựng theo kiểu kiến trúc đô thị, nhà ở chia lô kiểu nhà phố vẫn có thể kham khảo áp dụng kết quả đề xuất giúp sử dụng tiện nghi trong không gian nhà ở đạt hiệu quả tốt hơn.
Bài viết cũng đã sử dụng các phương pháp thông dụng để nghiên cứu như: Phương pháp sưu tầm tài liệu, tổng hợp, phân tích, đánh giá; phương pháp kế thừa các số liệu thống kê, điều tra khảo sát và các kết quả nghiên cứu có liên quan; phương pháp so sánh, đối chiếu các kết quả để từ đó phân tích đưa ra nhận định đề xuất nghiên cứu.
Tình hình ứng dụng vật liệu xây dựng mới nhà ở nông thôn truyền thống vùng Bắc Trung Bộ
Hiện nay, người dân vùng Bắc Trung Bộ nói riêng cũng như các vùng khác trong cả nước nói chung đều sử dụng vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn hết sức tùy tiện, dùng loại vật liệu nào, dùng vào đâu trong công trình nhà ở là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chủ quan của người dân thông qua việc học tập kinh nghiệm của những người dân đã xây dựng nhà ở trong làng, xã mà thiếu hoàn toàn việc định hướng của chính quyền địa phương, của các nhà doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, các nhà tư vấn thiết kế, xây dựng và ngay chính bản thân các nhà khoa học. Người nông dân vùng Bắc Trung Bộ đang ứng dụng các loại vật liệu xây dựng mới nhà ở nông thôn truyền thống như sau:
Đối với các hộ gia đình có thu nhập cao: Các hộ gia đình có thu nhập cao thường xây dựng nhà ở kiểu vì kèo hay nhà rường từ 5 đến 7 gian theo kiến trúc truyền thống với hai nhu cầu khác nhau:
- Thứ nhất, họ xây dựng ngôi nhà thờ cúng tổ tiên, ngôi nhà thờ được sử dụng các loại gỗ quý để xây dựng theo kiến trúc nhà vì kèo hoặc nhà rường. Sử dụng vật liệu gỗ chủ đạo từ kết cấu bộ vì kèo đến hệ thống ván gỗ làm vách tường, bên phía tường ngoài có thể xây thêm gạch đất nung để trần không trát vữa; mái lợp ngói đất nung có ba lớp để chống nóng, gồm lớp gỗ rui, ngói màn và cuối cùng là lớp ngói mũi hoặc ngói máy;
- Thứ hai, họ xây dựng ngôi nhà ở cuối tuần 1 tầng theo kiến trúc nhà ở truyền thống để nghỉ dưỡng, thụ hưởng môi trường trong lành của nông thôn, ngôi nhà này cũng có thể được xây dựng bằng vật liệu gỗ, hoặc gạch, đá kết hợp với kết cấu gỗ và sử dụng gỗ làm vật liệu ốp trang trí và cách nhiệt, kết hợp với việc trồng cây xanh chống nắng hướng Tây, đào hồ ao tạo nên mặt nước ở hướng Nam để giảm thiểu nhiệt độ vào mùa hè oi bức, giảm nóng khô khó chịu của gió Lào giúp cho nhà ở luôn mát mẻ và có khả năng chống chịu với điều kiện khí hậu vùng Bắc Trung Bộ (Hình 1).
Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ gia đình thu nhập cao nhưng do xây dựng nhà ở kết hợp với kinh doanh ở tầng một nên họ xây dựng kiểu nhà lô phố, chiều cao từ 2 - 4 tầng, vật liệu chính là bê tông cốt thép, tường xây gạch dày 220, mái tum bằng đổ bê tông cốt thép hoặc lợp ngói màu hoặc ngói đất nung (Hình 2).
Hình 2. Hình ảnh nhà ở kiểu “lô phố” tại khu vực nông thôn.
Như vậy, thực tế cho thấy, phần lớn các hộ gia đình có thu nhập cao thường có xu hướng kế thừa, khai thác các giá trị truyền thống trong xây dựng nhà ở, họ quan tâm đến việc sử dụng tối đa vật liệu xây dựng truyền thống, vật liệu địa phương và thân thiện với môi trường bản địa. Các lớp tường, mái lợp đều sử dụng từ 2 - 3 lớp vật liệu nhằm chống nóng cho ngôi nhà, mái nhà còn được làm đua ra xa để che nắng bốn phía cho ngôi nhà, một số ngôi nhà còn có hiên xung quanh để tạo không gian đệm cho không gian trong nhà được làm mát hơn.
Đối với các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp: Khác với gia đình thu nhập cao, do điều kiện thu nhập thấp, con cái lại đông nên nhu cầu xây dựng nhà ở riêng để tách hộ là rất lớn ở nhóm hộ gia đình này. Vì vậy, trong khuôn viên ngôi nhà truyền thống, họ chia nhỏ mảnh đất làm nhiều lô rồi chia cho các con hoặc bán bớt lấy tiền xây dựng các ngôi nhà ở mới theo kiểu nhà lô phố. Những ngôi nhà này được xây dựng bằng các loại vật liệu như bê tông cốt thép, tường xây gạch đất nung cao từ 1 - 2 tầng, mái lợp tôn kẽm, tôn màu hoặc tấm fibro xi măng. Những ngôi nhà ở này thường có không gian chật hẹp, thiếu ánh sáng và khả năng thông gió tự nhiên rất kém, tường xây gạch dày 110 chèn trong khung bê tông cốt thép nên vách tường không cóp khả năng chống nóng, ngôi nhà thường xuyên phải chạy quạt điện làm mát nên rất tốn năng lượng (hình 3).
Hình 3. Khuôn viên ngôi nhà ở nông thôn bị biến đổi do nhu cầu phát triển hộ gia đình người dân. [6]
Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, bình quân khoảng 20% hộ gia đình giàu, có mức thu nhập cao (thực tế tính riêng tại các khu vực nông thôn thì con số này thấp hơn nhiều) cùng với việc phân tích, đánh giá tình hình ứng dụng vật liệu xây dựng mới cho nhà ở nông thôn truyền thống vùng Bắc Trung Bộ như trên, cho thấy tỷ lệ dùng vật liệu truyền thống xây dựng nhà ở mới tại nông thôn chiếm tỷ lệ rất thấp, dưới 20% số hộ gia đình còn lại chủ yếu sử dụng các loại vật liệu mới để xây dựng nhà ở.
Việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng mới nhà ở nông thôn là cần thiết và tất yếu nhằm đáp ứng điều kiện kinh tế, nhu cầu xây dựng nhà ở của mỗi hộ gia đình người nông dân. Tuy nhiên, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhà khoa học cần nhanh chóng có những nghiên cứu, đề xuất giải pháp, hướng dẫn kịp thời, cụ thể, khuyến nghị người dân ứng dụng vật liệu xây dựng mới nhà ở nông thôn cho phù hợp với mức sống, với khí hậu vùng miền, đảm bảo sử dụng đúng vật liệu xanh, vật liệu bền vững, vật liệu thân thiện với môi trường.
Ứng dụng vật liệu xây dựng mới nhà ở nông thôn truyền thống
Với đặc điểm khí hậu nóng khô, độ ẩm thấp, ảnh hưởng bởi gió Tây - gió Lào nên việc lựa chọn, ứng dụng vật liệu xây dựng mới cho nhà ở nông thôn vùng Bắc Trung Bộ rất cần thiết, vừa đảm bảo điều kiện kinh tế, thích ứng với khí hậu địa phương và đảm bảo thẩm mỹ là yêu cầu đặt ra khi chọn vật liệu xây dựng nhà ở của người dân. Với mong muốn trên, chúng ta cần lựa chọn các loại vật liệu mới phù hợp như đề xuất sau đây để ứng dụng vào xây dựng nhà ở nông thôn truyền thống vùng Bắc Trung Bộ.
- Gạch không nung: Bao gồm gạch xỉ, gạch xi măng, gạch bê tông cốt liệu, gạch bê tông bọt khí, gạch bê tông khí chưng áp (AAC). Sử dụng gạch không nung sẽ đáp ứng quy định tại thông tư 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng đồng thời với những ưu điểm của gạch không nung như trọng lượng nhẹ, có khả năng cách nhiệt tốt, thân thiện với môi trường, chịu lực tốt và giá thành thấp, phù hợp với mức thu nhập của người nông dân (Hình 4). Tuy nhiên, thực tế hiện nay loại vật liệu này chưa được sử dụng nhiều tại khu vực nông thôn trong xây dựng nhà ở, chỉ sử dụng gạch xỉ để xây dựng các công trình phụ như nhà bếp, chuồng trại, nhà kho, tường rào. Vì vậy, cần ứng dụng vật liệu gạch không nung làm vật liệu chính trong xây dựng nhà ở nông thôn truyền thống vùng Bắc Trung Bộ.
a) Gạch xỉ, b) Gạch bê tông bọt khí,
c) Gạch bê tông cốt liệu, d) Gạch bê tông khí chưng áp (AAC)
Hình 4. Hình ảnh gạch không nung.
- Tường chịu lực 3D: Là các loại tấm tường bê tông khí chưng áp như panel AAC, Panel ALC là một ứng dụng của panel AAC có gia cường lưới thép và tường chịu lực 3D panel. Khi sử dụng Panel bê tông khí chưng áp sẽ có các ưu điểm đáp ứng việc xây dựng nhà ở nông thôn vùng Bắc Trung Bộ - Đó là có khả năng cách nhiệt, cách âm, chống nóng cho tường ngoài rất tốt; là vật liệu siêu nhẹ, tấm tường panel ALC chỉ bằng nửa trọng lượng tường xây gạch 110 mm; có độ bền cao, có khả năng chịu lực, chống va đập; dễ dàng thi công nhanh, chỉ cần sử dụng lao động phổ thông và nhất là thân thiện với môi trường; là những loại vật liệu xây dựng đã nhận được nhiều chứng chỉ xanh trong nước cũng như thế giới (Hình 5).
Hình 5. Hình ảnh vật liệu Panel bê tông khí chưng áp.
Tường chịu lực 3D panel như tấm tường chịu lực 3D T-VRO, V-3D có cấu tạo chính 2 lớp bê tông cốt thép cường độ cao và lõi xốp EPS. Tấm tường 3D có khả năng chịu lực cao, liên kết tốt; có khả năng cách nhiệt, cách âm, chống nóng tốt cho vùng Bắc Trung Bộ; là vật liệu nhẹ nên rất phù hợp với vùng miền thường xảy ra động đất, nền đất yếu; dễ dàng cho vận chuyển, thi công nhanh; có tuổi thọ cao đảm bảo bền vững cho ngôi nhà (Hình 6).
Hình 6. Hình ảnh tường chịu lực 3D panel.
- Tường chịu lực rỗng kết hợp với phụ phẩm nông nghiệp: Là loại tường người dân tự xây bằng gạch nung hoặc gạch không nung, tường dày từ 330 - 450 mm, ở giữa có khoảng rỗng để chèn vào đó các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, bã mía, vỏ trấu, vỏ lạc… cũng có thể nghiền các phụ phẩm trên rồi ép với chất kết dính khoáng để thành các tấm panel phụ phẩm xốp, nhẹ rồi chèn vào khoảng trống giữa hai vách tường xây. Chú ý khi xây tường này cần dùng các viên gạch khóa hai vách tường lại với nhau thành một vách có liên kết vững chắc. Khi sử dụng giải pháp tường chịu lực này sẽ đáp ứng tốt nhất cho giải pháp chống nóng và cách nhiệt, cách âm làm mát cho không gian nhà ở cho vùng Bắc Trung Bộ. Giải pháp này còn có ưu điểm dễ dàng thi công, xây dựng trên nền đất yếu và hoàn toàn sử dụng lao động thủ công tại địa phương để xây dựng nhà ở.
- Vách tường sử dụng tre, gỗ ván ép: Bên cạnh những vật liệu mới hiện đại vừa nêu trên, có thể kết hợp sử dụng thêm các loại vách tường bằng vật liệu truyền thống như tre đan nhằm làm tăng giá trị thẩm mỹ thô mộc của không gian nhà ở khi làm vách tường ngăn chia bên trong đồng thời tăng khả năng chống nóng của tường ngoài khi tạo thành hai lớp cho vách tường ngoài. Tre có thể sử dụng cả cây tre ghép lại với nhau thành vách ngăn chia nội thất bên trong hoặc có thể dùng nửa cây tre để ốp phía trong cùng với tường ngoài để chống nóng cho ngôi nhà. Tre cũng có thể ghép hoặc đan thành phên để tạo thành tấm “dại tre”, dựng thành vách ngăn đặt trước các hiên nhà giúp chống nóng, ngăn mưa rất hiệu quả trong kiến trúc nhà ở nông thôn vùng Bắc Trung Bộ (hình 7).
Hình 7. Vách tường ngăn và tấm “dại tre” sử dụng phên tre.
Tương tự, có thể sử dụng tấm ván gỗ ép công nghiệp làm vách ngăn nội thất hay ốp phía trong tường ngoài để chống nóng - Muốn hiệu quả cao hơn giữa vách gỗ ép hay tre và tường, nên chèn thêm các loại phụ phẩm nông nghiệp hoặc các tấm xốp cách nhiệt thì tốt hơn.
Vật liệu lợp mái: Ngoài vật liệu lợp mái nhà truyền thống trước đây như tranh, rơm rạ, các loại ngói đất nung, ngày nay còn có các loại vật liệu như ngói không nung, tôn lợp, tấm hợp kim, tấm nhựa 3D, tấm lấy ánh sáng.
Hình 8. Hình ảnh vật liệu ngói không nung - Ngói xi măng màu.
Ngói không nung gồm ngói màu với vật liệu chính là hỗn hợp vữa xi măng có pha sợi tổng hợp gia cường tăng độ bền cứng và được sơn phủ Nano Silicon, trên cùng là các lớp sơn có đặc tính chống tia cực tím và có khả năng phản xạ bức xạ mặt trời. Ngói không nung có ưu điểm có thẩm mỹ đẹp, nhiều màu sắc hấp dẫn, có khả năng giúp làm mát không gian trong nhà, ngăn nước mưa, rất phù hợp với lợp mái cho nhà ở nông thôn vùng Bắc Trung Bộ. Ngói không nung nên dần được thay thế ngói đất nung về khả năng thân thiện với môi trường của nó. Mặc dù có nhiều ưu điểm như vậy, nhưng do được phủ bằng các vật liệu sơn có hóa chất nên không nên sử dụng nước mưa được hứng từ mái nhà lợp ngói xi măng màu để sử dụng cho mục đích ăn uống mà chỉ nên dùng để tưới cây, rửa sân, đường. Để sử dụng ngói không nung hiệu quả, ngoài lớp ngói kể trên cần bổ sung thêm một lớp trần treo bằng thạch cao chịu nước hay các tấm trần thả có khả năng cách nhiệt, chống nóng và chống hắt nước mưa, tại không gian trống giữa mái ngói và trần treo cần mở các lỗ thông gió để đưa gió tự nhiên vào làm mát cho không gian mái nhà (hình 8).
Ngói tự nhiên là ngói đá đen được chế tác từ các loại đá trầm tích trở thành các viên ngói dùng để lợp nhà, loại ngói này có ưu điểm rất thân thiện với môi trường, có khả năng chống mưa, chống nắng rất tốt. Để ngói đá đen thích ứng với khí hậu vùng Bắc Trung Bộ nên thi công thành mái 3 lớp kiểu truyền thống gồm có lớp rui làm bằng gỗ hoặc luồng, sau đó đến lớp ngói màn bằng chính viên đá đen, trên là lớp mè và lớp ngói đá đen tự nhiên (hình 9). Ngói đá đen cũng có nhược điểm là có giá thành cao, vì thế chỉ phù hợp lợp mái nhà cho các hộ gia đình có thu nhập cao.
Hình 9: Hình ảnh vật liệu ngói tự nhiên - Ngói đá đen.
Ngoài ra, còn có các loại tấm lợp như tấm lợp bi tum, tấm bi tum phủ đá tự nhiên, tấm tôn 3 lớp kết hợp với xốp EPS hay PU, tấm hợp kim, tấm nhựa 3D, tấm lấy ánh sáng… Để phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và phù hợp với một số loại nhà phụ có thể sử dụng một số loại vật liệu lợp mái vừa kể trên. Tuy nhiên, các loại vật liệu này chỉ có tuổi thọ bình quân từ 20 - 25 năm và để thân thiện với môi trường nên hạn chế sử dụng trong xây dựng nhà ở nông thôn. Để tăng cường khả năng chống nóng cho vùng Bắc Trung Bộ, khi sử dụng các loại tấm lợp trên nên làm thêm lớp trần treo để tạo thành không gian trống cho mái, tạo thông gió tự nhiên làm mát cho không gian ngôi nhà.
Kết luận và kiến nghị
Vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh kéo dài từ Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị, là vùng có khí hậu khắc nghiệt với gió Lào nóng khô, do đó kiến trúc nhà ở phải thích nghi với điều kiện đặc trưng của khí hậu và môi trường tự nhiên của vùng miền. Vật liệu xây dựng cũng phải được lựa chọn phù hợp để góp phần thích ứng với khí hậu bản địa. Cùng với việc kế thừa các giá trị sử dụng vật liệu truyền thống mà cha ông ta đã tích lũy từ xưa, ngày nay cũng cần phải lựa chọn những loại vật liệu xây dựng mới, phù hợp với đặc điểm khí hậu, phù hợp với văn hóa kiến trúc truyền thống bản địa và thân thiện với môi trường tự nhiên.
Nên lựa chọn thêm các loại vật liệu mới thích ứng với các ưu điểm như có trọng lượng nhẹ, có khả năng cách nhiệt, chống nóng tốt, thân thiện với môi trường, có khả năng xây dựng trên nền đất yếu, chịu lực tốt, dễ thi công, sử dụng lao động phổ thông tại chỗ và giá thành thấp phù hợp với mức thu nhập của người nông dân, gồm: 1) Gạch không nung như gạch xỉ, gạch xi măng, gạch bê tông cốt liệu, gạch bê tông bọt khí, gạch bê tông khí chưng áp; 2) Tường chịu lực 3D là các loại tấm tường bê tông khí chưng áp, tường chịu lực 3D panel; 3) Tường chịu lực rỗng kết hợp với chèn phụ phẩm nông nghiệp chống nóng; 4) Vách tường sử dụng tre, gỗ ván ép; 5) Vật liệu lợp mái như ngói không nung, tấm lợp bitum, tấm bi tum phủ đá tự nhiên, tôn lợp 3 lớp, tấm nhựa 3D, tấm lấy ánh sáng.
Các bộ, ngành và chính quyền địa phương cũng cần có các văn bản quy định về việc sử dụng những loại vật liệu xây dựng mới phù hợp với đặc điểm khí hậu mỗi vùng miền để làm cơ sở phục vụ công tác quản lý phát triển các loại vật liệu xây dựng thích ứng. Các nhà khoa học cũng cần nghiên cứu hướng dẫn người dân ứng dụng những loại vật liệu xây dựng mới phù hợp với đặc điểm khí hậu mỗi vùng miền vào xây dựng nhà ở của mình.
Các doanh nghiệp nên đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu mới thích ứng với môi trường khí hậu, thân thiện với tự nhiên, có giá thành hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu cho hơn 80% hộ gia đình tại nông thôn có thu nhập trung bình và thấp có thể xây dựng nhà ở cho họ. Sử dụng tối đa các loại phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương, công nghiệp, các vật liệu có nguồn gốc từ đất, hữu cơ, vật liệu xây dựng tái chế, vật liệu xanh, vật liệu bền vững để sản xuất vật liệu xây dựng mới phục vụ nhu cầu người dân.
Người nông dân cũng nên là khách hàng thông minh để lựa chọn cho mình những loại vật liệu mới phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, loại hình xây dựng nhà ở, tuổi thọ của ngôi nhà, điều kiện môi trường khí hậu để ứng dụng các vật liệu mới cho phù hợp.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Thượng Hỷ (2005) – “Suy nghĩ về tên gọi các kiểu nhà truyền thống ở miền Trung Việt Nam” – Tạp chí Di sản văn hóa, số 2 – 2005, Hà Nội;
[2] Phạm Đức Nguyên (2017) – “Phát triển Kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh ở Việt Nam” – Nhà Xuất bản Tri thức, Hà Nội;
[3] Vũ Đình Phụng (2022) – “Vật liệu Xây dựng – Tập 1,2” – Nhà Xuất bản Xây dựng, Hà Nội;
[4] Hoàng Huy Thắng (2012) – “Kiến trúc nhiệt đới ẩm” – Nhà Xuất bản Xây dựng, Hà Nội;
[5] Chu Quang Trứ (2003) – “Kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam” – Nhà Xuất bản Mỹ thuật, Hà Nội;
[6] Nguyễn Đình Thi (2020) – “Kiến trúc nhà ở nông thôn thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa” – Nhà Xuất bản Xây dựng, Hà Nội;
[7] Qiujin Ru, Jiandong Feng and Qin Lu (2020) – “Application and Prospects of Prefabricated Buildings in Rural Areas of China” – Journal of Physics: Conference Series, Volume 1637, 8th Annual International Conference on Material Science and Engineering (ICMSE2020) August 14-15, Guiyang, Guizhou, China.
VLXD.org (TH/ TC Kiến trúc)