Sắt, Thép

Tình hình thị trường thép quý III và dự báo quý IV/2021

06/10/2021 - 09:20 SA

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,36% của cùng kỳ năm 2019.
Biểu đồ 1: Tốc độ tăng GDP 9 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2017 - 2021

ĐVT: %

1. Tình hình thị trường thép Thế giới

Trong quý III/2021, các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép có xu hướng giảm trên thị trường toàn cầu khi lên đến đỉnh vào tháng 7/2021. Cụ thể, giá quặng sắt tính đến tháng 7/2021 ghi nhận ở mức 214,36 USD/tấn, giảm dần 211,99 USD/tấn trong tháng 8 và đến ngày 14/9/2021 là 129,66 USD/tấn. Tính chung trong quý III/2021, giá quặng sắt trung bình là 185,34 USD/tấn, không biến động nhiều so quý II/2021 (tăng 0,7%), nhưng tăng 67,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Biểu đồ 2: Biến động giá thép thế giới từ tháng 1 - 9/2021

ĐVT: USD/tấn.
 
Giá thép thanh trên sàn giao dịch Thượng Hải và sàn giao dịch kim loại London đã tăng mạnh từ quý 4/2020, lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2008. Giá thép thế giới tăng lên mức cao kỷ lục vào đầu tháng 5 (5.963 nhân dân tệ/tấn) nhưng sau đó quay đầu giảm trong tháng 6, tháng 7 và hiện đang trên đà tăng giá trong tháng 8 và tháng 9. Tính đến ngày 8/9/2021, giá thép là 5.413 nhân dân tệ/tấn.

2. Tình hình thị trường thép Việt Nam

Riêng trong tháng 7, sản xuất thép các loại đạt 2,39 triệu tấn, giảm 6,48% so với tháng trước nhưng tăng 13,8% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng thép các loại đạt 2.101.200 tấn, ngang mức tháng 6/2021, nhưng tăng 7,4% so với cùng kỳ 2020; Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 658.207 tấn, tăng 5,96% so với tháng trước và tăng 55% so với cùng kỳ tháng 7/2020 về lượng.Tuy nhiên, việc tiêu thụ thép giảm mạnh trong tháng 8, do các nhiều tỉnh, thành phố (đặc biệt là thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh phía Nam) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến các hoạt động xây dựng bị đình trệ, giãn tiến độ hoặc dừng lại, chuỗi cung ứng nguyên liệu có nguy cơ bị đứt gãy. Sản xuất thép thành phẩm tháng 8/2021 đạt 2,35 triệu, giảm 1,9% so với tháng 7/2021, tương đương với mức sản lượng cùng kỳ năm 2020; tiêu thụ thép các loại đạt 1,9 triệu tấn, giảm lần lượt 9,4% so với tháng trước và giảm 8% so với tháng 8/2020. Trong đó, sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng tháng 8/2021 có mức sản lượng tháng gần như thấp nhất trong 5 năm gần đây. Sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 8/2021 đạt gần 714.000 tấn, giảm hơn 2% so với tháng 7/2021 và giảm 8,1% so với cùng kỳ 2020. Tiêu thụ đạt hơn 559.000 tấn, giảm mạnh 29,31% so với tháng trước và giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất thép cuộn cán nguội tháng 8 đạt hơn 383.000 tấn, giảm 12,73% so với tháng 7/2021 và giảm 12,9% so với cùng kỳ 2020; tiêu thụ đạt gần 164.000 tấn, giảm 8,35% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ 2020.

Mặt hàng thép các loại của Việt Nam được xuất khẩu trên 30 nước trên thế giới, trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ. Việc xuất khẩu thép gia tăng mạnh là do nhiều thị trường vẫn đang có nhu cầu lớn với thép nhập từ Việt Nam. Đặc biệt là Trung Quốc, thép Việt Nam xuất khẩu vào thị trường chủ lực này không phải nộp thuế (thuế xuất khẩu 0%). Trong khi, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp tiếp tục được củng cố. Theo báo cáo của Cục Công Nghiệp, Bộ Công Thương, tình hình sản xuất thép năm 2020 và dự kiến năm 2021 của các đơn vị sản xuất thép ổn định và có mức tăng trưởng cao tại các doanh nghiệp có dự án mới đầu tư đi vào sản xuất (như Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần Thép Nghi Sơn), đối với các doanh nghiệp sản xuất thép không có dự án đầu tư mới, sản xuất ổn định (Tổng Công ty Thép Việt Nam; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Ngọc.

Bên cạnh đó, nhập khẩu thép về Việt Nam trong tháng 8/2021, đạt 0,9 triệu tấn với kim ngạch gần 1 tỷ USD, giảm 5,2% về lượng nhưng tăng nhẹ 1,9% về trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước giảm 77,5% về lượng nhưng tăng 51,8% về giá trị. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thép về Việt Nam là 8,9 triệu tấn với trị giá trên 7,79 tỷ USD. Tuy nhiên, do giá thép nguyên liệu đầu vào tăng nên dù lượng thép nhập vào giảm 3,8% nhưng giá trị nhập vẫn tăng 43,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Các quốc gia cung cấp thép nhiều nhất cho Việt Nam vẫn lần lượt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ.
 
Biểu đồ 3: Diễn biến lượng và giá thép xuất nhập khẩu Việt Nam tháng 1 - 8/2021
 
Giá thép xây dựng trong nước tăng nhanh cùng giá thép thế giới và khu vực từ quý IV/2020 đến tháng 5/2021. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/2021, nhu cầu giảm khi thời tiết bước vào mùa mưa, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều công trình phải ngừng thi công do lệnh giãn cách xã hội và sự cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất thép hàng đầu trong nước, giá thép trong nước quý III/2021 giảm nhẹ 5 - 10% so với quý II/2021.
 
Bảng 1: Giá thép xây dựng các loại bình quân tại các khu vực thị trường quý III/2021

ĐVT: Đồng/kg​.
Các khu vực Thép cuộn D6-8 Thép D10-18 Thép D20-42 Thép hình
Trung du và miền núi phía Bắc 17.579 17.527 17.527  18.626
Đồng bằng sông Hồng 17.124 17.217 17.217 18.157
Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 19.158 17.797 17.795 17.798
Tây Nguyên 18.575 17.694 18.070 23.130
Đông Nam Bộ 17.823 17.025 17.629 20.840
Đồng bằng sông Cửu Long 19.487 18.695 19.002 22.246

Về giá thép trong 3 tháng cuối năm 2021 được dự báo dựa trên nhu cầu và ảnh hưởng diễn biến dịch Covid-19 phức tạp trên các địa phương trên cả nước, với chủng vi rút Delta có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm. Dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 9, các hoạt động xây dựng được phép triển khai tiếp tục trên cả nước, lượng cầu sẽ tăng trong quý IV/2021, do nguồn cung đáp ứng nên giá thép ổn định và hình thành mặt bằng giá mới.

VLXD.org (TH/ KTXD)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.