Sự kiện

Những tiến bộ mới nhất của công nghệ xi măng thế giới tiếp cận thị trường Việt Nam

22/11/2024 - 09:32 SA

Trong 15 năm qua, ngành Xi măng Việt Nam chứng kiến sự biến chuyển lớn từ các nhà cung cấp công nghệ thiết bị chính, trong đó có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ các nhà thầu Tây Âu, Nhật Bản (G7) sang các nhà thầu Trung Quốc. Trước xu thế thiết bị giá rẻ từ Trung Quốc và phong trào đầu tư tư nhân tại Việt Nam, các nhà cung cấp công nghệ xi măng nổi tiếng thế giới như Thyssenkrupp Polysius, Loesche, Kawasaki… và mới đây là FLSmidth… đã ngậm ngùi rút khỏi thị trường Việt Nam do không thể cạnh tranh.
» Thông báo lần thứ hai về Hội thảo kỹ thuật xi măng ACT Nov.2024

Thực tế, với chiều dài lịch sử trên 100 năm, ngành Xi măng Việt Nam chủ yếu tiếp cận và ứng dụng khá toàn diện các công nghệ sản xuất xi măng của các hãng cung cấp hàng đầu thế giới, đến từ G7. Mãi đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, các nhà thầu Trung Quốc, với sự nhạy bén của mình đã nhanh chóng tiếp thu công nghệ xi măng từ G7, với ưu thế nhân công và nguyên liệu giá rẻ, đã cải tiến và khiến nó trở nên hợp lý hơn nhiều tại châu Á. Sau khi cung cấp thị trường nội địa Trung Quốc, sản xuất ra 1,7 tỷ tấn xi măng/năm, các nhà cung cấp lớn như TCRDI (Thiên Tân), HCRDI (Hợp Phì)…, và nay là Sinoma, CNBM, CHOPE… đã tràn sang Việt Nam và các nước Asean.

Xu thế này đã được cộng hưởng bởi chủ trương tư nhân hoá ngành Xi măng của Nhà nước Việt Nam, với yêu cầu về một hệ thống sản xuất giá cả hợp lý, cơ chế tài chính linh hoạt, tốc độ triển khai dự án và thi công đảm bảo, nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường. Các tiêu chí này đã nhanh chóng loại bỏ các nhà thầu G7 trong các cuộc thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị công nghệ tại hàng loạt các dự án xi măng trên cả nước.

Tuy vậy cho đến nay, với sự tăng trưởng nhanh chóng, ngành Xi măng Việt Nam lại mang đến những thách thức và nhiều cơ hội mới: giảm tiêu thụ năng lượng, giải quyết tình trạng cung vượt cầu, đáp ứng các quy định ngày một chặt chẽ về hơn môi trường, nâng cao hiệu quả nhà máy và cải thiện chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu từ thực tế này đặt ra một bài toán mới cho các nhà sản xuất xi măng: yêu cầu những đột phá về công nghệ sản xuất, vượt qua các đường găng năng lượng, tối ưu hoá quản trị hệ thống… để giảm thiểu chi phí sản xuất, giảm giá thành để cạnh tranh và các đòi hỏi bức thiết về giảm phát thải CO tiến đến một nền sản xuất Net Zero.
 

 
Để ứng phó với những thực tế này, việc triển khai các lựa chọn nhiên liệu thay thế đang ngày càng trở nên quan trọng, cùng với việc giảm phát thải carbon dioxide, nitơ oxit và các chất gây ô nhiễm môi trường khác. Cải thiện hiệu quả của các dây chuyền sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm chưa bao giờ cấp thiết như lúc này. Các cải tiến phải được áp dụng đồng bộ; từ khâu chuẩn bị liệu - nghiền và đồng nhất - trao đổi nhiệt và nung; đến khâu làm nguội clinker và nghiền xi măng. Sự cải tiến này có sự ứng dụng các tiến bộ công nghệ mới nhất trong các ngành khoa học nền tảng như công nghệ vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo (AI), các thuật toán mô phỏng quản trị tối ưu trong sản xuất, công nghệ rô bốt… Những vấn đề này, chỉ có các nhà cung cấp công nghệ nguồn mới có khả năng cập nhật, cải tiến một cách hiệu quả.
 
 
Với gần 170 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất xi măng, Tập đoàn KHD Humboldt Wedag vẫn luôn đi đầu trong các giải pháp tiên phong sáng tạo. Với những cơ hội to lớn tại Việt Nam, nhà cung cấp công nghệ và dịch vụ kỹ thuật hàng đầu này muốn tiếp tục đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành Xi măng Việt Nam.

Với định hướng đó, ngày 26/11/2024 tại Hà Nội, Hiệp hội Xi măng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn KHD Humboldt Wedag - nhà cung cấp máy móc, thiết bị và các giải pháp kỹ thuật cho ngành công nghiệp xi măng (CHLB Đức) và Công ty Gamma Media tổ chức Hội thảo kỹ thuật xi măng - ACT Nov.2024 với chủ đề “Xi măng - Giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải carbon”.

Toàn bộ nội dung của chương trình Hội thảo đã được Ban tổ chức ACT 2024 thông qua và sẵn sàng trình bày với các nhà sản xuất, các chuyên gia công nghệ Việt Nam. Các diễn giả là các chuyên gia công nghệ hàng đầu đến từ KHD Humboldt Wedag sẽ cung cấp cho người nghe những cập nhật mới nhất về công nghệ sản xuất, tại các công đoạn cụ thể, các tình huống cụ thể, để các nhà sản xuất xi măng Việt Nam có thể hình dung và rút ra những vấn đề tồn tại trong nhà máy của mình. Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức hy vọng đem đến một cách tiếp cận mới về sản xuất xi măng hiệu quả và bền vững.

Hội thảo với sự tham dự, chỉ đạo trực tiếp của Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng; Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng; Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam… cùng đông đảo các nhà sản xuất xi măng, các lãnh đạo nhà máy, chuyên gia công nghệ trong cả nước.

Ngoài Hội thảo trực tiếp diễn ra cả ngày (26/11) tại khách sạn Quốc tế Bảo Sơn - Số 50, Nguyễn Chí Thanh, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội; Hội thảo cũng được diễn ra trên nền tảng Zoom (online) với hàng trăm các chuyên gia kỹ thuật tại các phân xưởng, CCR, phòng ban các nhà máy xi măng trên toàn quốc tham gia đăng ký theo dõi trực tuyến.

Toàn bộ chương trình Hội thảo cũng được livestreams trực tiếp trên nền tảng Facebook, tại kênh fanpage Thông tin chuyên ngành Xi măng Việt Nam và Youtube Xi măng Việt Nam.
 
• Đăng ký tham dự: hoặc truy cập: hoithao.ximang.vn

 

Phát triển bền vững là một hướng đi quan trọng nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo sự phát triển dài hạn của ngành Xi măng. Với đặc thù là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải lượng lớn khí CO, ngành Xi măng có nhiều tiềm năng và cơ hội để cải tiến và hướng tới sản xuất bền vững. Hy vọng thông qua hội thảo này, các vấn đề trên sẽ dần được sáng tỏ.
 
VLXD.org

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.