Sản xuất xanh

Holcim triển khai dự án "Thùng rác sinh học" tại Bình Thuận

03/09/2014 - 05:13 CH

Nhờ sự hỗ trợ của Holcim Việt Nam, dự án "Thùng rác sinh học" đã được triển khai và bàn giao cho người dân xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận vào cuối tháng 8 vừa qua.
   
Công ty Holcim và sinh viên trường Kiến trúc Bàn giao "Thùng rác sinh học" cho nông dân  Bình Thuận

Dự án "Thùng rác sinh học" là đề tài nghiên cứu của của nhóm sinh viên trường ĐH Kiến trúc TPHCM đã đoạt giải Ứng dụng - giải thưởng cao nhất của cuộc thi Holcim Prize 2013; là sự ứng dụng thành công của mô hình "giun quế xử lý rác thải hữu cơ" tạo thành phân hữu cơ được thử nghiệm thành công đối với thân cây thanh long và có thể nhân rộng cho hầu hết các loại rác thải hữu cơ khác nhằm bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân.

Bình Thuận là một tỉnh nằm trong vùng duyên hải cực Nam Trung Bộ, được xem là "thủ phủ" thanh long của cả nước với diện tích gần 19.000ha (năm 2012). Mô hình trồng thanh long hiện nay ở Bình Thuận đa phần là theo trụ, với mật độ khoảng 1.000 - 1.100 trụ/ha.

Nhiều năm nay, thanh long là cây trồng giúp hàng chục nghìn hộ nông dân ở Bình Thuận tăng thêm thu nhập và góp phần làm khởi sắc nhiều vùng nông thôn trong tỉnh. Tuy nhiên việc xử lý xác cây thanh long sau thu hoạch luôn là một vấn đề nan giải đối với người dân địa phương vì nếu để xác cây thanh long tự phân hủy sẽ mất thời gian khá lâu, gây mùi hôi khó chịu, ô nhiễm môi trường và là nguyên nhân trực tiếp lan truyền mầm bệnh cho cây trồng.

Được sự hỗ trợ kinh phí gần 200 triệu đồng từ Holcim Việt Nam, dự án "Thùng rác sinh học" đã được đưa vào triển khai ứng dụng tại địa phương được xem là một giải pháp bền vững cho nông dân nơi đây. Ngoài ra, dự án còn giúp giảm chi phí nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân với việc phân giun được dùng để bón cây và xác giun sau khi hết vụ sẽ được bán làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Từ thành công của mô hình này tại xã Hàm Thắng, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ triển khai ứng dụng đại trà mô hình "Thùng rác sinh học" đến các hộ trồng thanh long tại địa phương vào năm 2015.

Giải thưởng Holcim Prize lần đầu được Công ty TNHH Holcim Việt Nam triển khai năm 2009 nhằm mục đích tạo sân chơi cho sinh viên nghiên cứu, ứng dụng các ý tưởng phục vụ phát triển bền vững xoay quanh ba lĩnh vực: Phát triển cộng đồng, Bảo vệ môi trường và Xây dựng bền vững, với tổng giá trị giải thưởng lên đến 600 triệu đồng.

Holcim Prize không chỉ khích lệ ý tưởng sáng tạo của sinh viên mà còn tạo cơ hội để biến những ý tưởng đó thành hiện thực thông qua hỗ trợ một phần triển khai ứng dụng cho đề tài khả thi nhất.

Mạnh Thân - VLXD.org

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.