Văn bản - Chính sách

Quy định kỹ thuật về thăm dò và phân cấp trữ lượng các mỏ cát biển

09/09/2024 - 02:52 CH

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BTNMT Quy định kỹ thuật về thăm dò và phân cấp trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển.  Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2024 và áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thăm dò, đánh giá trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển.
Thông tư gồm 19 điều, quy định kỹ thuật về thăm dò và phân cấp trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển; áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thăm dò, đánh giá trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển.
 

Ảnh minh họa

Tiêu chí, phân loại, mức độ đánh giá cấp trữ lượng, cấp tài nguyên cát biển thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Thông tư số 60/2017/TTBTNMT ngày 8/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn.

Việc phân chia nhóm mỏ thăm dò được thực hiện trên cơ sở hình dạng, kích thước thân cát, mức độ phức tạp về cấu trúc địa chất mỏ, địa hình đáy biển, mức độ biến đổi chiều dày và thành phần hạt, điều kiện địa chất, khai thác và các chỉ số định lượng đánh giá mức độ biến đổi của các thông số khác.

Mỏ cát biển được phân chia thành 3 nhóm mỏ: Nhóm mỏ đơn giản (nhóm mỏ I); Nhóm mỏ tương đối phức tạp (nhóm mỏ II); Nhóm mỏ phức tạp (nhóm III).

Việc xếp nhóm mỏ thăm dò quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Tại Thông tư cũng quy định cụ thể các yêu cầu về công tác thăm dò; công tác trắc địa; nghiên cứu địa chất; nghiên cứu thủy - thạch động lực; nghiên cứu hiện trạng địa chất môi trường, tai biến địa chất; quan trắc thủy - thạch động lực; xây dựng mô hình số trị; công tác nghiên cứu chất lượng; nghiên cứu công nghệ khai thác cát biển; công tác tính trữ lượng và tài nguyên; cấp trữ lượng cao nhất và tỷ lệ các cấp trữ lượng; nội dung, hình thức tài liệu của báo cáo thăm dò.

Yêu cầu về nghiên cứu công nghệ khai thác cát biển, Thông tư quy định cụ thể mẫu công nghệ: lấy đại diện cho thân cát biển. Phương pháp lấy và thử nghiệm mẫu công nghệ phải được thiết kế trong đề án thăm dò. Mức độ nghiên cứu phải cung cấp đủ các chỉ tiêu cần thiết để xác định công nghệ khai thác, hệ số thu hồi cát biển, lĩnh vực sử dụng cát biển. Làm sáng tỏ dạng tồn tại, hàm lượng, xác định khả năng làm giàu và thu hồi thành phần có ích đi kèm (nếu có).

Phương pháp tính trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển phải được lựa chọn phù hợp với đặc điểm địa chất mỏ và trên cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng quy định tại khoản 2 Điều này. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp tính trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển: hình thái thân cát; chiều dày và mức độ biến đổi của chúng; thành phần hạt và mức độ biến đổi của chúng; yếu tố kiến tạo và thế nằm thân cát; mạng lưới công trình thăm dò; phương pháp khai thác dự kiến.

Các phương pháp tính trữ lượng và tài nguyên các mỏ cát biển: phương pháp khối địa chất; phương pháp mặt cắt song song thẳng đứng hoặc sử dụng các phần mềm chuyên dụng tính trữ lượng khoáng sản đang được sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam.

Nội dung, hình thức các tài liệu của báo cáo thăm dò cát biển thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đề án thăm dò khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản và mẫu báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản, mẫu văn bản trong hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản; trình tự, thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản...

Theo Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Bình Trọng cho biết, Việt Nam có tiềm năng cát biển khá lớn, phân bố ở các vùng biển độ sâu 0 - 100m nước, trong đó các vùng biển tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng biển Sóc Trăng, vùng biển Hải Phòng - Quảng Ninh, vùng biển Phú Quốc - Hà Tiên… rất triển vọng. Các kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy chất lượng cát biển đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lấp và có khả năng xử lý tuyển rửa làm cát xây dựng...

VLXD.org (TH)

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.