Thị trường VLXD

TP Hà Nội: Giá cát tăng cao

08/06/2025 - 07:30 CH

Giá cát tăng cao khiến các gói thầu xây dựng nhà ở dân dụng chịu áp lực. Nhiều thợ xây cho biết họ đã phải điều chỉnh đơn giá phần móng và nền từ đầu tháng 5, do “vật tư đầu vào biến động liên tục”.
Theo khảo sát tại Hà Nội, giá cát vàng xây dựng hiện đã lên tới 750.000 – 820.000 đồng/m³, tùy loại và khoảng cách vận chuyển. Trong khi đó, cát san lấp cũng tăng khoảng 5 – 7% so với đầu tháng 5, đạt mức bình quân 430.000 – 470.000 đồng/m³.

Thị trường xây dựng đang vào mùa cao điểm, thế nhưng giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng cao.

Ông Nguyễn Minh Tâm – chủ một đơn vị thi công tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) - cho biết, đang trong cao điểm mùa xây dựng, các loại vật liệu tăng giá khiến người dân hoãn lại kế hoạch xây nhà ở, nhiều dự án đang bị tăng chi phí.

“Chỉ trong vòng ba tuần cuối tháng 5, giá cát tăng tới hai lần. Mỗi đợt khoảng 30.000 – 50.000 đồng/m³. Tổng chi phí cho một công trình có thể đội lên cả trăm triệu đồng chỉ vì cát. Xây một căn nhà giờ thấy người ta tính toán từng khối cát, khối đá, nghìn gạch, tạ thép. Nếu như không có vấn đề về đất đai, pháp lý có thể tạm hoãn đến giữa năm hoặc năm sau” - ông Tâm chia sẻ.

Giá cát tăng cao cũng khiến các gói thầu xây dựng nhà ở dân dụng chịu áp lực. Nhiều thợ xây tại Gia Lâm cho biết họ đã phải điều chỉnh đơn giá phần móng và nền từ đầu tháng 5, do “vật tư đầu vào biến động liên tục”.

Sự tăng giá liên tục của các loại vật liệu xây dựng cơ bản đang khiến nhiều người nhớ lại “cơn sốt vật liệu” từng xảy ra vào năm 2022, khi giá thép, xi măng và đặc biệt là cát tăng vọt, kéo theo hệ lụy nghiêm trọng: hàng loạt công trình đình trệ, đội vốn; nhà thầu phá sản; gói thầu phải tổ chức lại vì nhà đầu tư rút lui.

Ông Phạm Quốc Hiếu - Giám đốc Công ty Xây dựng và hạ tầng Đông Thành - cho biết, thực tế, đã có một số chủ đầu tư tại các tỉnh miền Bắc kiến nghị điều chỉnh hợp đồng hoặc giãn tiến độ thi công vì không cân đối được chi phí.

“Chúng tôi vừa trúng gói thầu xây dựng đường nội bộ cho một khu công nghiệp, nhưng tính toán lại thì riêng phần cát san lấp đã tăng gần 400 triệu đồng so với thời điểm dự thầu. Nếu giữ nguyên đơn giá, chúng tôi không có lợi nhuận” - ông Hiếu cho hay.

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp xây dựng kiến nghị, để tránh một cuộc khủng hoảng vật liệu lặp lại, Nhà nước và doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, rà soát, đánh giá biến động giá vật liệu để có cơ sở giải pháp bình ổn; công bố kịp thời thông tin về giá và chỉ số xây dựng, kiểm soát hiện tượng tăng giá bất thường.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các kho vật liệu lớn tại địa phương khi giá tăng bất thường. Áp dụng các chế tài mạnh với hành vi găm hàng, nâng giá không lý do chính đáng, hoặc thao túng thị trường (đặc biệt với cát tự nhiên và thép).

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
>> TP Hà Nội: Giá cát xây dựng tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 5
>> “Nóng” giá cát
>> Giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng mạnh
>> Hơn 70% mỏ tạm dừng, cát xây dựng khan hiếm, giá tăng gấp đôi
>> Công trình xây dựng gặp khó vì giá cát tăng cao kỷ lục
 
VLXD.org (nguồn: kinhtedothi.vn)

ỨNG DỤNG TRA CỨU THÔNG TIN - DỮ LIỆU CHUYÊN NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Địa chỉ: Tòa nhà HH2A Bắc Hà, 15 Tố Hữu, P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân, Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

Email: gamma.vlxd@gmail.com

Trung tâm Thông tin - Dữ liệu vật liệu xây dựng Việt Nam (BIDC)
- Cơ quan bảo trợ: Hội Vật liệu xây dựng
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.