VLXD hoàn thiện mặt sàn

Những điều cần biết về ván sàn tre

10/01/2015 - 05:25 CH

Những năm gần đây, ván sàn làm bằng chất liệu tre đã được nhiều gia chủ lựa chọn sử dụng cho ngôi nhà của mình. Với ưu thế có khả năng kết hợp với các thiết kế nội thất trong nhà một cách tự nhiên đem lại một vẻ đẹp đặc biệt, nhiều gia chủ đã quen sử dụng ván sàn tre và cảm thấy thích thú về vẻ đẹp tự nhiên của nó.


Những ưu điểm của ván sàn tre


Ván sàn tre tương tự như gỗ nhưng nhưng thân thiện với môi trường bởi dễ trồng, thời gian trưởng thành ngắn chỉ 3 - 5 năm. Công nghệ và kỹ thuật ép hiện nay làm được những sản phẩm sàn tre có độ co ngót rất ít, không gây biến dạng, không cong vênh và ván được xử lý chống mối mọt.

Nhờ đặc tính cứng và dẻo dai tự nhiên của tre mà ván sàn tre có độ cứng tương đường với các loại gỗ tự nhiên nhóm 1 và nhiều loại gỗ nhân tạo. Sàn tre giữ được độ sáng trong nhiều năm. Trong điều kiện môi trường bình thường, độ bền của loại vật liệu này từ 20 - 30 năm.

Tre vốn gần gũi với những ngôi nhà Á Đông truyền thống bởi sắc thái và chất mộc của nó. Sàn tre và đồ nội thất được làm từ tre với những kỹ thuật tiên tiến hiện nay mang đến cho tre vẻ sang trọng hơn, phù hợp hơn với những ngôi nhà hiện đại nhưng vẫn mang hơi thở truyền thống.

Các loại ván sàn tre và ứng dụng

Hiện nay, có hai loại ván sàn tre phổ biến, đó là: sàn tre ép ngang và sàn tre ép nghiêng.


Mẫu sàn nhà sàn tre ép ngang

Tre ép ngang hay còn gọi ghép nằm là cách ghép đặt ba lớp tre đan xen với nhau theo chiều nằm ngang thép lại thành tấm ván sàn. Ván sàn tre ghép ngang thể hiện rõ các đốt tre rộng khoảng 20mm, tạo trên bề mặt sàn những hoa văn đặc thù của tre. Ghép ngang thích hợp dùng làm ván sàn, bậc cầu thang, ốp tường, trần... tạo một ấn tượng khác về gạch ốp lát. Kiểu ghép này còn phù hợp với không gian rộng như phòng khách, phòng sinh hoạt và những khu vực cần trang trí hoa văn tinh tế.

Các nan tre sau khi xử lý được đặt theo phương đứng một lớp và ghép thành ván. Cách ghép này gọi là ghép nghiêng hay ghép đứng. Ván sàn tre ghép đứng chỉ để lại những nốt tre nhỏ khoảng 3 - 5mm trên bề mặt. Những người không thích có quá nhiều nốt tre trên mặt sàng gây rối mắt hoặc sợ nhàm chán sau thời gian dài sử dụng có thể chọn ván sàn tre ghép nghiêng này. Vì ghép nghiêng những thanh tre vào nhau nên ván có độ chịu lực khá cao, thích hợp cho những không gian nhiều hoạt động và ở những nơi có diện tích vừa phải cần sự nhã nhặn, sang trọng.

Ngoài 2 kiểu ghép truyền thống này, với công nghệ ghép hiện đại ngày nay, tre còn có thể ghép và ép thành khối lớn như khối gỗ. Tre ép khối tuy có giá thành cao hơn chút nhưng cứng và bền hơn ghép đứng và ghép nằm. Tre ép khối sử dụng những thanh tre nhỏ, mỏng để ép nên tiết kiệm nhiều nguyên liệu tre. Ghép khối làm cho những nốt tre không còn hiện rõ, cho ra những hoao văn khá lạ và giống gỗ. Kiểu ghép này thường phù hợp với những không gian hiện đại và có mật độ đi lại cao.


Sàn tre ép nghiêng

Những lưu ý khi sử dụng ván sàn tre:

Trong thực tế, mọi vị trí đều có thể sử dụng ván sàn tre. Tuy nhiên, để giữ màu sắc và độ bền của sản phẩm được lâu hơn, các chuyên gia về vật liệu và cả những nhà sản xuất ván sàn tre khuyến cáo không nên sử dụng ván sàn tre ở những nơi ẩm ướt như: phòng tắm, các khu vực bếp, các nơi nước mưa có thể tạt vào... và những nơi ít được quan tâm như: hầm, nhà xe...

Để đảm bảo độ bám dính và chất lượng sàn tre, thường khi thi công cần kiểm tra tiêu chuẩn về độ ẩm, độ khô ráo của sàn bê tông và tường cũng phải khô mới có thể lắp đặt ván sàn tre. Bên cạnh đó, mặt sàn bê tông phải được xử lý bằng phẳng.

Bề mặt được phủ lớp sơn bóng có khả năng hạn chế thấm nước và chịu trầy xước. Tuy vậy, cần tránh để sàn tre tiếp xúc với nước thường xuyên. Có tính dễ  lau chùi nên không cần phải dùng hóa chất để tẩy rửa vì có thể làm hư hỏng lớp sơn bóng trên mặt sàn. Nếu sử dụng hóa chất cần pha loãng theo hướng dẫn hoặc dùng các loại chất tẩy rửa chuyên dùng cho sàn gỗ. Tốt nhất chỉ nên dùng vải lau, chổi lông gà hay máy hút bụi để làm sạch sàn nhà.

Sàn tre khá nhạy cảm với những vật nhọn như: cát, giày cao gót và cả móng chân thú nuôi trong nhà. Nên lót thảm ở khu vực bếp, chỗ ra vào sàn để hạn chế nước văng vào sàn; ngoài cửa ra vào để ngăn cát, bụi bám vào sàn tre bên trong. Thảm trải nên chọn loại không bị lem màu để tránh bám màu vào sàn tre cũng như hạn chế chọn thảm thô dễ gây trần xước sàn tre.

Màu sắc của ván sàn tre là màu tự nhiên kết hợp với công nghệ gia nhiệt tạo ra. Vì không sử dụng công nghệ màu nên ván sàn tre không phai màu. Sau thời gian sử dụng, nếu ván sàn tre có trầy xước nhẹ, có thể dùng các loại dầu hoặc sơn chuyên dụng cho sàn gỗ để khắc phục. Nếu bị trầy xước nhiều, có thể chà nhám và sơn lại dễ dàng.

Mạnh Thân - VLXD.org

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.