Xi măng

Tổng quan thị trường xi măng tháng 5/2017

22/06/2017 - 03:37 CH

Theo đánh giá của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) và các bộ, ngành có liên quan, trong tháng 5/2017, thị trường xi măng giữ ổn định, lượng sản xuất và tiêu thụ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2016, trong khi đó giá xi măng vẫn duy trì ổn định.
>> Không yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ khi xuất khẩu xi măng
>> Kiến nghị tăng thuế tài nguyên thay vì áp thuế suất xi măng 5%

>> Tổng quan thị trường xi măng tháng 4/2017

1. Tình hình sản xuất:

Trong tháng 5, sản lượng xi măng của toàn ngành đạt 5,58 triệu tấn xi măng; trong đó, sản lượng của khối Vicem đạt 1,93 triệu tấn, khối liên doanh đạt 1,61 triệu tấn và khối doanh nghiệp địa phương - tập đoàn đạt 2 triệu tấn.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng xi măng của toàn ngành đạt 26,04 triệu tấn, giảm 11,16% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, sản lượng của khối Vicem trong 5 tháng đầu năm đạt 8,78 triệu tấn, khối liên doanh đạt 8,02 triệu tấn, khối các doanh nghiệp địa phương - tập đoàn đạt 9,28 triệu tấn.

2. Tình hình tiêu thụ:

Số liệu thống kê của VNCA cho biết, trong tháng 5, toàn ngành đã tiêu thụ được 6,95 triệu tấn xi măng và clinker, giảm 11,1% so với tháng 4 và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính chung 5 tháng đầu năm, toàn ngành đã tiêu thụ được 32,55 triệu tấn xi măng và clinker, so với cùng kỳ năm 2016, lượng tiêu thụ xi măng và clinker trong 5 tháng đầu năm 2017 đã tăng 4%.

Tiêu thụ nội địa:

Tổng lượng xi măng tiêu thụ nội địa trong tháng 5 đạt 5,28 triệu tấn, giảm 10% so với tháng 4/2017 và so với cùng kỳ năm 2016, lượng xi măng tiêu thụ nội địa đã giảm 7%.

Tổng lượng xi măng tiêu thụ nội địa trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 24,09 triệu tấn, mức tiêu thụ này cũng tương đương so với thời điểm này trong năm 2016.

Lượng xi măng tiêu thụ nội địa trong tháng tại các thị trường cụ thể như sau: miền Bắc là 2,17 triệu tấn, chiếm 41%; miền Trung là 1,20 triệu tấn, chiếm 23%; miền Nam là 1,92 triệu tấn, chiếm 36% tổng lượng tiêu thụ toàn xã hội.


Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2017, Việt Nam đã xuất khẩu được 1.665.001 tấn xi măng và clinker, tương đương với trị giá thu về đạt 58.712.986 USD; giảm 13,5% về lượng và 12,9% về trị giá so với tháng 4/2017.

Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam đạt 8.251.500 tấn, trị giá thu về đạt 288.092.582 USD; so với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu xi măng và clinker trong tháng 5/2017 đã tăng 16,6% về lượng và tăng 10,9% về trị giá.

Bangladesh và Phillipin vẫn là hai thị trường xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam, trong đó, thị trường Bangladesh có trị giá xuất khẩu chiếm xấp xỉ 35,7% và thị trường Phillippin chiếm 33,4% tổng trị giá xuất khẩu của toàn ngành trong 5 tháng đầu năm.

Số liệu xuất khẩu clinker và xi măng trong tháng 5/2017 tại một số thị trường chính:

3. Diễn biến giá:

Cục Quản lý Giá cũng cho biết, do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cơ bản ổn định nên các nhà máy sản xuất kinh doanh xi măng cơ bản giữ ổn định giá bán. Giá xi măng trong nước trong tháng 5/2017 vẫn duy trì ổn định so với tháng 4/2017.

Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, giá bán lẻ xi măng tháng 5/2017 cơ bản ổn định so với tháng 4/2017; tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000 - 1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000 - 1.850.000 đồng/tấn.

Giá xi măng xuất khẩu tại Hòn Gai tháng 5/2017 ổn định so với tháng 4/2017 ở mức 46,5 USD/tấn; giá clinker xuất khẩu ở mức 30 USD/tấn FOB cẩm Phả.

Cục Quản lý Giá dự báo tháng 6/2017, giá bán xi măng tại các doanh nghiệp sản xuất xi măng cơ bản ổn định.

Sức ép giá rẻ từ các nước láng giềng

Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay cả nước có gần 80 dây chuyền sản xuất xi măng với năng lực sản xuất thực tế cao hơn công suất thiết kế. Nếu không xuất khẩu được thì lượng dư thừa năm 2017 sẽ là 30 triệu tấn và năm 2020 là 35 triệu tấn.

Như vậy, thị trường xi măng cung vẫn vượt cầu khoảng 20%. Giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng, thị trường xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh với nguồn cung dồi dào, giá rẻ từ các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, trong xu thế hội nhập quốc tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm luôn là cuộc cạnh tranh gay gắt. Khối ASEAN mở cửa thông thương. Giá xuất khẩu xi măng, clinker đã và đang xuống rất thấp, cùng với sự dư thừa công suất của xi măng Trung Quốc đã lên đến 600 - 700 triệu tấn, số dư thừa gấp 7 - 8 lần tổng công suất của Việt nam hiện tại. Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và một số nước thi nhau hạ giá xuất khẩu, chiếm lĩnh thị phần làm cho giá xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm.

Đặc biệt, ngành xi măng còn gặp khó khăn trong chính sách khi từ 01/07/2016, Chính phủ đã ban hành Luật thuế GTGT, Luật quản lý thuế và Nghị định số 100/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn hai luật thuế này. Đồng thời, ngày 1/9/2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2016/NĐ-CP quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Tại Nghị định số 100 quy định sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên sẽ được xếp vào đối tượng không chịu thuế GTGT, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Nghị định số 122 cũng quy định vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%.


Kiến nghị tăng thuế tài nguyên thay vì áp thuế suất xi măng 5%

Theo quan điểm của Tiến sỹ Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giá thành nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ sản xuất xi măng (bao gồm clinker, đá, than...) đã bao gồm cả thuế, vì thế nếu Chính phủ có chủ trương áp thuế đối với xi măng thì có thể tăng thuế tài nguyên để tránh tình trạng bất cập "thuế chồng thuế".

Ông Cung cho biết, mặt hàng nguyên liệu than chủ yếu được nhập từ các nước Nga, Úc... và đã phải chịu thuế nhập khẩu. Do đó, nếu áp thuế suất xi măng xuất khẩu 5% như hiện nay thì dẫn đến thực tế gây tranh cãi là: cùng một nguyên liệu nhưng lại phải chịu nhiều lần thuế, dẫn tới việc "thuế chồng thuế". Chưa kể tới việc đối tượng người tiêu dùng lại không phải trong nước nhưng mặt hàng xuất khẩu này lại không được hoàn thuế VAT - thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Điều này là không thỏa đáng, hay có thể nói là "thiệt thòi" cho mặt hàng xi măng nước nhà.

Cũng theo phân tích của ông Cung, đối chiếu với tình hình sản xuất xi măng trong nước, nếu đánh thuế tài nguyên tăng lên thì nhà nước thu được thuế đáng kể hơn nhiều so với thu thuế xi măng xuất khẩu. Do vậy, nếu có chủ trương áp thuế 5% đối với mặt hàng này thì ông đề xuất kiến nghị tăng thuế suất tài nguyên thay vì áp thuế 5%. Vì như vậy, vừa tránh được bất cập "thuế chồng thuế", vừa tháo gỡ được khó khăn cho cả ngành hàng xi măng nước nhà.

Tổng cục Hải quan: Không yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ khi xuất khẩu xi măng

Trong một diễn biến khác, mới đây, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan thực hiện nghiêm, đúng quy định về thủ tục hải quan đối với mặt hàng xi măng xuất khẩu, không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thêm 2 loại giấy tờ trên khi làm thủ tục thông quan xuất khẩu xi măng.

Sở dĩ có yêu cầu trên là bởi Tổng cục Hải quan nhận được phản ánh về việc một số cục hải quan tỉnh, thành phố đã yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thêm các giấy tờ khi làm thủ tục thông quan xuất khẩu mặt hàng xi măng, đó là: Bản cam kết về trị giá tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng của mặt hàng xi măng chiếm dưới 51% giá thành sản phẩm xi măng và Bản cam kết kế toán về tỉ lệ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng của mặt hàng xi măng chiếm dưới 51% giá thành sản phẩm xi măng của năm trước đó liền kề.

Mạnh Thân - VLXD.org
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.