Xi măng

Dự báo xu hướng sử dụng xi măng trong xây dựng tiếp tục giảm

26/02/2018 - 04:40 CH

Năm 2017 là năm đầu tiên cho thấy sự chuyển dịch trong cơ cấu hàng hóa ngành xây dựng. Tỷ trọng đóng góp của ngành xi măng thấp hơn hẳn so với các năm trước, đạt khoảng 2%, cho dù tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng khá cao, đạt 8,7% so cùng kỳ, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trước đây, mức tăng trưởng của ngành xi măng luôn cao hơn mức tăng trưởng của ngành xây dựng. Do vậy, xu hướng này sẽ ảnh hưởng lớn trong việc hoạch định chiến lược phát triển, nhất là trong bối cảnh nguồn cung vẫn vượt xa nguồn cầu, tạo thêm áp lực không nhỏ trong cuộc chiến tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xi măng.
 

Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, một phần là do giảm đầu tư công, không có nhiều công trình sử dụng vốn nhà nước được khởi công, xây dựng. Mặt khác, thị trường bất động sản dần đi vào ổn định, các dự án xây dựng mới cũng không nhiều, phần lớn đi vào hoàn thiện, sử dụng ít xi măng. Quan trọng hơn, xu hướng sử dụng những sản phẩm thân thiện môi trường trong xây dựng ngày càng phát triển.

Nhiều công trình hạn chế bê tông hóa, sử dụng kính xây dựng LowE, hệ thống vách ngăn, tường ngăn bằng thạch cao, gạch vữa từ vật liệu xây không nung. Ngay cả khu vực dân sinh, nhiều thiết kế mới, gần gũi thiên nhiên, sử dụng vật liệu xanh đã dần thay thế những ngôi nhà chủ yếu dùng xi măng. Những xu hướng này đang đặt ra thách thức mới đối với sự phát triển của ngành xi măng.

Dự báo, trong năm 2018, ngành xây dựng tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, khoảng 9,2% và ngành xi măng phấn đấu tăng trưởng từ 4 đến 5%. Tuy nhiên để đạt được điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xi măng cần nỗ lực cao, đồng thời phải có những giải pháp điều chỉnh hợp lý. Ðơn cử như câu chuyện cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ. Ðã có thời điểm, lượng tồn kho của các doanh nghiệp xi măng tăng cao, lên tới 45 ngày sản xuất, trong khi đó, lượng tồn kho lý tưởng khoảng 20 đến 25 ngày sản xuất. Tồn kho cao sẽ làm tăng hàng loạt chi phí từ bảo quản, lưu kho đến vận hành hệ thống sản xuất. Vì vậy, tập trung giảm tồn kho hay tiếp tục duy trì sản xuất như bình thường nhằm khai thác tốt nhất hiệu quả máy móc, thiết bị cần được tính toán kỹ lưỡng.

Song song với đó, các doanh nghiệp xi măng cần tiếp tục căn chỉnh lại hệ thống bán hàng, tập trung giảm giá thành để giữ vững thị trường tiêu thụ, cho dù xét về mức giá, xi măng Việt Nam thấp nhất khu vực Ðông - Nam Á. Thực tế, dư địa để giảm giá thành vẫn còn nếu có các giải pháp tối ưu hóa dây chuyền sản xuất một cách hợp lý và sắp xếp lại bộ máy vận hành còn cồng kềnh. Theo tính toán, hiện nay năng suất lao động của ngành xi măng mới bằng 50 đến 60% trong khối ASEAN, trong khi đó đứng đầu về sản lượng, đứng trong tốp 8 của thế giới. Do vậy, việc cải thiện năng suất lao động trong ngành xi măng cũng đóng vai trò rất quan trọng, quyết định khả năng cạnh tranh thành công trên thị trường.

VLXD.org (TH/ Nhân dân)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.