Sắt, Thép

Những lý do cần áp dụng tự vệ với phôi thép nhập khẩu

19/02/2016 - 05:14 CH

Trước sự đổ bộ của thép nhập khẩu ngày càng lớn, trong những ngày cuối tháng 12/2015, 4 doanh nghiệp lớn ngành thép là Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Thép Việt Ý đã đệ đơn tới Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đề nghị áp dụng tự vệ với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
>> Năm 2016, ngành thép sẽ gặp khó khăn do dư cung
>> Ngành thép Việt Nam: Cần nhiều giải pháp tăng tốc


Theo các doanh nghiệp này, có sự gia tăng đột biến và bất thường về nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra trong thời gian gần đây. Cụ thể, lượng phôi thép nhập khẩu từ gần 600.000 tấn năm 2014 đã tăng lên 1,5 triệu tấn trong năm 2015. Thép dài nhập khẩu từ gần 830.000 tấn năm 2014 cũng tăng lên hơn 1,2 triệu tấn năm 2015. Việc này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép, làm giảm công suất, thị phần, lợi nhuận, khiến lao động mất việc làm.

Được biết, với sản phẩm phôi thép, 4 doanh nghiệp này hiện chiếm gần 40% tổng sản lượng sản xuất trong nước. Đối với sản phẩm thép dài, các công ty này chiếm tới hơn 34% tổng sản lượng sản xuất. Giai đoạn điều tra xác định thiệt hại được tính từ ngày 1/1/2012 đến 30/9/2015.


4 doanh nghiệp lớn trong ngành thép đang kiến nghị tăng thuế nhập khẩu phôi thép và thép

Áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, phù hợp với quy định của WTO, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại… là những lý do mà các doanh nghiệp này đưa ra, cụ thể:

Lý do đầu tiên các doanh nghiệp đưa ra là để bảo vệ ngành luyện kim đầu tư từ thượng nguồn còn non trẻ của Việt Nam trước nguy cơ bị xóa sổ và phải mất hàng chục năm sau mới có thể khôi phục.

Theo thông tin của các công ty nói trên, các doanh nghiệp tiên phong trong ngành thép Việt Nam đã đầu tư sản xuất thép từ thượng nguồn để có được một ngành luyện kim thực sự. Trước năm 2010, ngành thép Việt Nam vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào phôi thép nhập khẩu từ nước ngoài khi khối lượng nhập khẩu trên 2 triệu tấn/năm. Đến nay, ngành thép đã tự đáp ứng nhu cầu trong nước và trở thành nước xuất khẩu phôi thép trong khu vực.

Tuy nhiên, trước sự nhập khẩu ồ ạt không lường trước được của thép ngoại, ngành thép Việt Nam đang biến thành nơi gia công công đoạn cuối và trở thành thị trường tiêu thụ cho thép ngoại, ngành luyện kim đầu tư từ thượng nguồn còn non trẻ của Việt Nam có nguy cơ bị xóa sổ và phải mất hàng chục năm sau mới có thể khôi phục.

Lý do thứ hai là để bảo vệ cả ngành sản xuất thép trong nước. Điều này thể hiện rõ ở sự ủng hộ mạnh mẽ của doanh nghiệp ngành thép, với tỷ lệ ủng hộ đến nay lên tới gần 80% thị phần đối với sản phẩm phôi thép và gần như tuyệt đối với sản phẩm thép dài.

Lý do thứ ba là nhằm ngăn chặn sự ồ ạt cửa thép nhập khẩu. Năm 2015 lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam lên tới gần 1,9 triệu tấn, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2014, trong đó lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 2/3 với giá bán liên tục sụt giảm sâu, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất trong nước.

Thống kê của WTO, mỗi năm các nước trên thế giới tiến hành điều tra chống bán phá giá và tự vệ thương mại khoảng 150 vụ, riêng ngành thép chiếm tới khoảng 60%.

Đáng lưu ý, khắp thế giới đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, trong 7 năm gần đây, Ủy ban châu Âu đã 14 lần sử dụng hàng rào thuế quan và áp dụng biện pháp phụ phí nhập khẩu lên tới 40% đối với thép Trung Quốc, Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép dây Trung Quốc ở mức 31,2% - 35,31%...

>> EU điều tra chống phá giá đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc
>> Trung Quốc khẳng định không bán phá giá thép

Sản phẩm thép của Trung Quốc bị chặn khắp nơi trên thế giới, vô hình trung Việt Nam càng trở thành chỗ trũng lý tưởng cho thép Trung Quốc nếu không áp dụng biện pháp hạn chế. Do đó, 4 doanh nghiệp đưa ra lý do thứ tư với nội dung đây “là biện pháp hữu hiệu và được WTO cho phép trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay”.

Lý do thứ năm là để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2015, hơn 72.000 tấn phôi kê khai phôi hợp kim chứa Crom, Bo... với vi lượng thành phần hợp kim đã nhập khẩu vào Việt Nam và trà trộn vào thị trường thép để sản xuất thép xây dựng. Bộ Công Thương đã vào cuộc, đi kiểm tra và thu hồi giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu không ngăn chặn kịp thời bằng các hàng rào kỹ thuật mạnh mẽ và thuế quan thì ngân sách nhà nước sẽ thất thu khoản lớn từ thuế nhập khẩu.

Lý do cuối cùng, việc áp dụng biện pháp tự vệ giúp duy trì ổn định đời sống của hàng triệu người lao động trực tiếp và giản tiếp của ngành thép, bảo vệ ngành công nghiệp đầu tư từ thương nguồn, tiết kiệm nguồn lực đã đầu tư của xã hội, có khả năng vực dậy các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, đang bên bờ vực phá sản.

VLXD.org (TH)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.