Sắt, Thép

Ngành thép Việt Nam: Cần nhiều giải pháp tăng tốc

14/02/2016 - 02:29 CH

"Bức tranh" tổng thể của ngành thép trong nước đang chịu sức ép cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt, bởi kết thúc năm 2015, tổng sản lượng thép sản xuất trong nước tiêu thụ đạt khoảng 15 triệu tấn, chiếm trên 50% so với tổng sản lượng tiêu thụ của cả nước, số còn lại thép nhập khẩu chiếm tới trên 40%.
2015: Một năm khó khăn với ngành thép

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2015 thị trường thép trong nước đã có bước khởi sắc so với các năm trước. Điều này phần lớn nhờ vào sự khởi sắc của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, với tình hình bị ảnh hưởng của lượng thép nhập khẩu tăng cao, như: các sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép thanh, thép cuộn…, thì Việt Nam có nguy cơ sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm thép nhập khẩu.

Theo thống kê của VSA cho thấy, tính chung trong năm 2015, Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm thép thành phẩm khoảng 13,7 triệu tấn, tăng 22,56% so với năm 2014.

Đáng chú ý, khoảng 1,78 triệu tấn phôi thép đã nhập khẩu vào Việt Nam, tăng 198% so với năm 2014; hơn 1,62 triệu tấn thép cuộn và dây thép nhập khẩu, trong khi sản xuất thép cuộn trong nước chỉ đạt 1,13 triệu tấn; gần 1,43 triệu tấn tôn mạ kim loại và sơn phủ màu được nhập khẩu, tăng 87,5% so với năm 2014.    

Đặc biệt, lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2015 khoảng hơn 8,4 triệu tấn, giá trị hơn 3,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng hơn 60%. Nếu so sánh với năm 2014, lượng thép nhập khẩu năm 2015 tăng trên 57% về lượng và 13,6% về trị giá. Số còn lại là là thép đến từ các thị trường khác, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Trên thực tế, câu chuyện thép hợp kim Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt với số lượng lớn vào nước ta hầu như năm nào cũng tái diễn.

“Bài” của doanh nghiệp thép Trung Quốc khi xuất khẩu sản phẩm, ngoài được hưởng chính sách trợ giá, hoàn thuế xuất khẩu, còn cố tình lợi dụng khe hở trong quy định tiêu chuẩn thép hợp kim để gian lận kỹ thuật và thương mại nhằm hưởng thuế suất ưu đãi của nước nhập khẩu.

Thực chất, loại thép “hợp kim” chứa Bo hoặc Crom chỉ là thép xây dựng thông thường, do tính chất cơ - lý không có gì khác biệt. Khi xuất khẩu, doanh nghiệp thép Trung Quốc được hoàn thuế VAT 13%, trợ giá xuất khẩu 9%. Lợi thế lớn nhất của thép Trung Quốc chính là giá rẻ, mang danh thép hợp kim chất lượng cao, nhưng giá bán rẻ hơn cả thép xây dựng thông thường trong nước.

Dẫn lời Chủ tịch VSA, ông Hồ Nghĩa Dũng trên Báo Nhân dân điện tử, mấy năm trở lại đây, việc đối phó hiện tượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc luôn là vấn đề “nóng” nhất của ngành thép. Trung Quốc có năng lực sản xuất thép lớn nhất thế giới (khoảng 1,3 tỷ tấn/năm), đang phải tiết giảm sản lượng và tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước. Theo tính toán, Trung Quốc hiện dư thừa khoảng 300 triệu tấn thép, đặt mục tiêu xuất khẩu 100 triệu tấn; trong đó xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á hơn 20 triệu tấn. Việt Nam chiếm khoảng 30% (sáu đến bảy triệu tấn) trong số hơn 20 triệu tấn này.

Trong khi đó, ở chiều xuất khẩu, năm 2015, ngành thép Việt Nam xuất khẩu trên 2,5 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,9 tỷ USD, giảm 4,2% về lượng và giảm 14,3% về giá trị. Kết quả đó cho thấy, ngành thép Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn từ các sản phẩm thép nhập khẩu.


Cần nhiều giải pháp tăng tốc

Bước sang năm 2016, VSA dự báo tổng sản lượng thép sản xuất trong nước tiêu thụ sẽ giảm hơn nhiều, chỉ đạt khoảng 15% so với năm 2015. Lý giải về điều này tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 của VSA được tổ chức ngày 13/1/2016, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân tích, năm 2016, sự đầu tư cho các công trình công xây dựng cầu, đường lớn… sẽ không được thuận lợi như năm 2015, nên lượng thép xây dựng giảm thấp.

Bên cạnh đó, lượng thép xuất khẩu dự báo sẽ giảm hơn bởi sức ép từ các vụ kiện chống bán phá giá ngày một dày đặc, khiến cho thép Việt Nam vào các nước hết sức khó khăn. Theo ông Sưa, Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng nên việc gia tăng các vụ kiện là lẽ đương nhiên, vì các nước đều bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

Vì vậy, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Bởi, khi các doanh nghiệp bị áp dụng phòng vệ thì chính các doanh nghiệp trong ngành phải hợp tác với nhau chặt chẽ, không nên né tránh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về phòng vệ thương mại để sẵn sàng đương đầu với các cơ quan điều tra, và có kế hoạch đưa ra sớm; chuẩn hoá và chuẩn bị tốt các số liệu, không chỉ cho các cơ quan điều tra nước ngoài, mà chính trong việc đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) bảo hộ, phòng vệ ngành mình.

Tuy nhiên, để sản phẩm thép trong nước giữ vững được phong độ trong thời hội nhập sâu rộng phải nhờ đến sự quan tâm đặc biệt từ các cơ chế, chính sách của Nhà nước, như: sớm xây dựng và áp dụng hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại… nhằm ngăn chặn các sản phẩm thép kém chất lượng nhập khẩu, đặc biệt thép từ Trung Quốc tràn vào sẽ khiến thị trường trong nước gặp khó khăn hơn./. 

Theo DNVN
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.