Cát, Đá, Sỏi

Giá cát đang leo thang từng ngày, thậm chí từng giờ

17/04/2017 - 08:54 CH

Chưa bao giờ cát xây dựng lại trở nên đắt đỏ như lúc này. Khảo sát những ngày qua tại một số thị trường cho thấy đang có sự “loạn giá” đối với các loại cát phục vụ xây dựng. Giá cát nhảy múa, thay đổi theo ngày, theo giờ và đang khiến cho giới nhà thầu xây dựng không kịp trở tay.
>> Giá cát tăng cao, nhiều nhà thầu lo lỗ
>> Thế giới đang lên cơn sốt cát
>> Giá cát tăng bất thường: Do đầu cơ, thao túng thị trường?

Khảo sát của VTV cho biết, chỉ trong vòng gần 1 tháng, giá cát xây dựng đã tăng gấp 2, gấp 3 lần. Điều này đang ảnh hưởng rất lớn đến ngành xây dựng, thậm chí nếu tình trạng này kéo dài, nhiều công trình có thể phải ngừng thi công. Cụ thể, 3 tuần trước, giá cát vàng ở mức 200.000 đồng, nay đã tăng lên 500.000 đồng/m3; giá cát đen từ 150.000 đồng, nay tăng lên 350.000 đồng/m3; cát san lấp cũng tăng từ 90.000 lên 180.000 đồng/m3.

Theo thông tin trên báo Giao thông cho biết, hiện trên thị trường giá cát biến động theo từng vùng, đặc biệt có sự chênh lệch khá lớn.

Tại Hà Nội, giá cát có nhiều biến động theo chiều hướng tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cụ thể, tại bến Chèm (Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đầu tháng 3 giá cát vàng bán lẻ dao động từ 200 - 280 nghìn đồng/m3, giá cát đen dao động từ 60 - 100 nghìn đồng/m3. Tuy nhiên, tính tới ngày 15/4, giá cát vàng đã lên mức 300 - 350 nghìn đồng/m3, tăng gấp 1,4 lần so với đầu tháng 3; Giá cát đen ở mức từ 100 - 150 nghìn đồng/m3, tăng gấp 1,5 lần. Còn tại một số cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, giá cát đang leo thang từng ngày, thậm chí từng giờ. Chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, cửa hàng của ông trong những ngày vừa qua nhiều lúc không có cát để bán cho khách. Mới từ đầu tháng 3 trở lại đây, giá cát tăng liên tục, mà nguồn cung cũng chập chờn, khách muốn mua số lượng lớn phải báo trước ít nhất 2-3 ngày.

Tại TP Hồ Chí Minh, từ cuối tháng 3 đến nay, giá cát cũng tăng mạnh. Cụ thể, giá cát vàng bán lẻ đầu tháng 3 dao động từ 220 - 260 nghìn đồng/m3, đến nay đã ở mức 450 - 500 nghìn đồng/m3, tăng gấp 2 lần. Tương tự, giá cát đen ở thời điểm hiện tại cũng ở mức cao từ 250 - 270 nghìn đồng/m3.

Còn theo khảo sát của báo Đấu thầu tại thị trường TP.HCM, ngay từ những ngày đầu tiên của tháng 4/2017, giá cát ghi nhận đã có những bước nhảy vọt với tốc độ chóng mặt. Trong những ngày đầu tuần, từ khoảng 10 đến 12/4, giá cát mỗi loại đều tăng tới mức cả đại lý vật liệu xây dựng lẫn các nhà thầu xây dựng ngỡ ngàng. Cụ thể, theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, giá cát xây tô ngày 10/4 ở mức 400.000 đ/m3, giá cát san lấp vọt lên mức 230.000 đ/m3, cát bê tông tăng hơn gấp đôi, lên đến 440.000 đ/m3. Một loạt đại lý vật liệu xây dựng trên đường Kinh Dương Vương (Quận 6) đều có chung phản ánh tình trạng giá cát bị đẩy lên cao, thay đổi từng giờ, thậm chí, hiện tượng khan hàng đã xuất hiện. Một đại lý cho biết, cát đang bị làm giá một cách công khai, các đại lý không biết kiểm chứng nguồn thông tin nào cho chính xác để trả lời cho khách hàng, nhà thầu.
 

Nhiều đại lý lẫn nhà thầu đều cho là do việc quản lý khai thác cát đang được Chính phủ và nhiều địa phương đặc biệt siết chặt, chấn chỉnh. Ảnh minhh họa.

Lý giải về hiện tượng giá cát liên tục tăng trong những ngày vừa qua, thông tin trên báo Đấu thầu cho biết, nhiều đại lý lẫn nhà thầu đều cho là do việc quản lý khai thác cát đang được Chính phủ và nhiều địa phương đặc biệt siết chặt, chấn chỉnh. Đồng thời, một số đơn vị khai thác cát giảm công suất, dẫn đến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá lên cao. Thêm vào đó, tâm lý đầu cơ, làm giá trong lĩnh vực vật liệu xây dựng rất nặng nề trong khi nhu cầu xây dựng ở đô thị hiện rất lớn.

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện tổng tài nguyên cát chỉ khoảng hơn 2 tỷ m3, trong khi chỉ tính riêng năm 2016 nhu cầu cát cho xây dựng đã lên tới 131 - 140 triệu m3, năm 2020 con số này dự báo sẽ lên đến 182 - 197 triệu m3. Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cát được cấp phép chỉ đáp ứng khoảng 60 - 65% nhu cầu cung cấp cho các thành phố, đô thị lớn. Tỷ lệ 35 - 40% cát khai thác trái phép (đang bị siết chặt) đã dẫn đến tình trạng đầu cơ, làm giá, ép giá của các đầu nậu là dễ hiểu.

Cát loạn giá, nhà thầu trở tay không kịp

Đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên của “cơn bão giá cát” đang hoành hành chính là các nhà thầu xây dựng và thị trường xây dựng. Chia sẻ với trên báo Đầu thấu, diện một nhà thầu xây dựng dân dụng tại Quận 12 cho biết: “Những nhà thầu xây dựng nào đang thi công dở các công trình lớn mà nguồn cung ổn định và được đảm bảo giá thì còn đỡ. Với các nhà thầu nhỏ đang thi công các công trình trung bình và nhỏ cực kỳ điêu đứng với sự tăng vọt của giá cát”. “Chúng tôi trở tay không kịp với biến động của giá cát hiện nay. Quá trình trộn vữa bê tông không thể thiếu cát, và đây cũng là công đoạn không thể dừng của bất kỳ công trình xây dựng nào. Với sự tăng phi mã của giá cát, chắc chắn, chi phí của các công trình sẽ phải đội lên ít nhất 10%. Trong khi các  hợp đồng đã được ký trọn gói với chủ đầu tư, nhà thầu nhỏ xác định thi công đủ vốn, thậm chí lỗ với tình thế này”, anh một chủ thầu xây dựng tại quận Gò Vấp cho biết.

Cát chiếm tỷ lệ rất lớn trong toàn bộ khối lượng công trình, nên với biến động khó lường như hiện nay, lợi nhuận của các nhà thầu xây dựng đang rất bấp bênh. Khi trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu xây dựng cho biết, đối phó với kinh phí phát sinh rất lớn từ giá cát đã khó, tìm phương án thay thế bởi cát nhân tạo càng khó hơn. Thứ nhất, giá cát nhân tạo vốn dĩ đã rất cao, thường không phải là lựa chọn phổ biến để xây dựng. Thứ hai, đối với các công trình đang thi công, việc thay thế vật liệu là cực kỳ tối kỵ vì tính an toàn, đồng bộ. “Kể cả nếu có lựa chọn thay thế vật liệu thì công đoạn test, nghiệm thu tính phù hợp phải mất ít nhất 2 tuần. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình. Nhiều nhà thầu đã năn nỉ chúng tôi như vậy để xem xét lại giá cát”, chủ đại lý vật liệu xây dựng lớn tại đường Hà Huy Giáp (Quận 12) nhấn mạnh.

Không chỉ thiếu nguồn cung cát xây dựng, nguồn cát cho san lấp mặt bằng hiện cũng hầu như không có, khiến không ít dự án đang chuẩn bị xây dựng, phải lùi thời gian triển khai.
 

Cát loạn giá, nhà thầu trở tay không kịp. Ảnh minh họa.

Giá cát tăng, nên dùng cát nghiền

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD của Thủ tướng, nhu cầu cát xây dựng của nước ta năm 2015 là 92 triệu m3/năm và năm 2020 tăng lên 130 triệu m3/năm. Chia sẻ với báo Tiền phong, ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội VLXD cho rằng đáp ứng nhu cầu này về lâu dài rất khó bởi cát là nguồn tài nguyên ít tái tạo.

Ông phân tích: “Các mỏ cát bồi lắng của nước ta rất ít và chủ yếu phải dùng cát ở sông, suối nhưng khai thác ở đây gây ra rất nhiều hậu quả về môi trường. Nguồn cát này cũng không được bổ sung do các công trình thủy điện tràn lan cộng thêm việc người dân khai thác vô tội vạ”.

Ông Nga cho rằng, cần phải cấm triệt để việc khai thác cát trái phép. “Nhưng không thể cứ không quản được thì cấm, đây là hành động hết sức nguy hiểm bởi ngành xây dựng không thể thiếu cát 1 ngày. Phải cấm tuyệt đối việc xúc cát bán ra nước ngoài, kể cả cát nước ngọt hay cát nước mặn nhưng cần khảo sát kỹ, cấp phép đúng cho những anh làm ăn nghiêm chỉnh, chỉ phục vụ cát cho xây dựng trong nước” - ông Nga nói.

Đồng tình ý kiến trên, TS Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch Hội VLXD nói thêm, một trong những biện pháp ngăn cát tặc là giảm nhu cầu với cát tự nhiên bằng các giải pháp khác nhau. Trong đó, việc đẩy mạnh sử dụng cát nghiền (cát nhân tạo – PV) là một biện pháp quan trọng.

Ông Sâm nói: “Một số công trình thủy điện ở Sơn La, Lai Châu đã sử dụng cát nghiền bởi ở đó cát tự nhiên ít mà chở từ vùng dưới lên thì không hiệu quả. Việc này trên thế giới họ làm rất phổ biến, các tỉnh miền núi cũng áp dụng nhưng chỉ ở quy mô nhỏ, tự cung tự cấp. Giờ phải đẩy mạnh sử dụng cát nghiền nhất là ở vùng cao còn đồng bằng khó áp dụng do giá cát tự nhiên quá thấp, chỉ việc hút lên là bán”.

Ngoài ra, hai chuyên gia cũng đưa ra một số biện pháp khác để giảm nhu cầu sử dụng cát tự nhiên như dùng đất đồi cho việc san lấp các khu công nghiệp, khu đô thị; các công trình cũng nên sử dụng các vật liệu không nung, kích thước lớn để giảm việc dùng cát vào xây, trát…

VLXD.org (TH)
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.