Sản xuất xanh

Kinh tế xanh: Xu hướng tất yếu

05/06/2015 - 03:51 CH

Kinh tế Xanh là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Vì vậy, chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới phát triển Kinh tế Xanh là hướng tiếp cận mới.
Đây là vấn đề đặt ra tại Diễn đàn Đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh, do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 4/6, tại Hà Nội.

 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh, trong bối cảnh tài nguyên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn Kinh tế Xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp.

Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền Kinh tế Xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, khuyến sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.

Theo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 403 ngày 20/3/2014. Một trong những mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến là nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến, nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Để phát triển đất nước bền vững, Công nghệ Xanh sẽ là nhân tố quyết định cho việc tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững; giảm sử dụng năng lượng hóa thạch. Do đó, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực về đổi mới công nghệ và tính cạnh tranh của Công nghệ Xanh trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Tại các nước phát triển, xu hướng chung trong đổi mới công nghệ được nhận định là xu hướng đầu tư nghiên cứu và phát triển nhằm đưa những công nghệ tiên tiến hơn, hiệu quả hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường để hướng đến tăng trưởng xanh-giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng. Điển hình như các doanh nghiệp của Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ...

Thực tiễn tại các nước cũng cho thấy việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau,” “kinh tế nâu.”

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 của Đảng đã nêu rõ: “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.”

Như vậy, phát triển Kinh tế Xanh phù hợp với Chiến lược dài hạn của Việt Nam và định hướng phát triển bền vững nói chung, cũng phù hợp với những lợi thế so sánh của Việt Nam cần phát huy trong hội nhập quốc tế.

VLXD.org (TH)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.