Tin quốc tế

Thế giới quay sang dầu nặng

31/05/2011 - 12:04 CH

Đại diện cho xu hướng này là dự án trị giá 340 triệu USD của tập đoàn dầu khí khổng lồ Chevron hợp tác với Arabie Séoudite và Koweit để khai thác mỏ Wafra.
Khi những quặng dầu nhẹ dễ khai thác trên bán đảo A-rập cạn dần sau khoảng 5 thập niên phục vụ cho nền kinh tế toàn cầu, các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới đang phải tìm đến nguồn dầu nặng nằm sâu trong lòng cát sa mạc. Đại diện cho xu hướng này là dự án trị giá 340 triệu USD của tập đoàn dầu khí khổng lồ Chevron (Mỹ) hợp tác với Arabie Séoudite và Koweit để khai thác mỏ Wafra ở khu vực biên giới hai nước.

Arabie Séoudite đã trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới từ việc khai thác trữ lượng khổng lồ dầu nhẹ, chất lượng cao. Tuy nhiên, khi nhu cầu năng lượng tăng và các giếng dầu dễ khai thác bắt đầu cạn kiệt, Arabie Séoudite đang chuyển sang khai thác dầu nặng khó khăn hơn nhiều. Dầu nặng có độ đậm đặc như mật đường, khó rút ra khỏi lòng đất hơn dầu nhẹ và tốn kém hơn rất nhiều để tinh lọc thành xăng dầu. Vì vậy, việc Arabie Séoudite và Koweit lao vào dự án mỏ Wafra cho thấy “cơn khát dầu” của thế giới ngày càng trầm trọng.

Theo Alex Munton, nhà phân tích của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie (Scotland), các quặng dầu lớn ở Vùng Vịnh đã được khai thác hơn 50% trữ lượng, mức mà thông thường sản lượng sẽ bắt đầu sụt giảm. Điều này cùng với bất ổn tại Libye sẽ khiến nguồn cung dầu của thế giới eo hẹp và đẩy giá dầu lên cao. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ dự đoán giá dầu sẽ ở mức bình quân 103 USD/thùng trong năm nay, tăng 30% so với năm 2010, và sẽ còn tăng cao hơn trong năm tới.

May mắn là nguồn dầu nặng tại Vùng Vịnh rất dồi dào. Chỉ riêng Trung Đông, người ta ước tính hiện có khoảng 78 tỉ thùng dầu nặng có thể khai thác được, nhiều hơn 3,5 lần tổng trữ lượng dầu của Mỹ. Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, thế giới hiện có khoảng 3.000 tỉ thùng dầu nặng, đủ cung cấp cho toàn cầu thêm 100 năm nữa với mức tiêu thụ hiện tại. Nhưng chỉ một phần của nguồn dầu này (khoảng 400 tỉ thùng) là có thể bơm hút được bằng công nghệ hiện có. Những kỹ thuật mới như đang được thí điểm tại Wafra có thể giúp trích xuất dầu nhiều hơn. Để có được dầu nặng, người ta bơm hơi nước khoảng 316oC xuống lòng đất, làm giảm bớt tính đặc dính của dầu để có thể được hút lên mặt đất. Kỹ thuật này rất đắt tiền, khó thực hiện và chưa chứng minh được hiệu quả ở loại đá trữ dầu Wafra.

Tập đoàn Chevron có kinh nghiệm trong việc khai thác dầu nặng tại California (Mỹ) và Thái Lan, nhưng dự án Wafra phức tạp, tốn kém và kéo dài hơn nhiều so với những dự án trước. Chevron là bên bỏ ra số tiền 340 triệu USD cần thiết để thực hiện thí điểm trong 4 năm đầu tại một góc của mỏ Wafra. Thách thức lớn đối với dự án là dầu tại Wafra được tích trữ trong các lớp đá vôi dày. Các lớp đá này chứa nhiều khoáng vật có thể tràn vào bên trong đường ống và ăn mòn thiết bị. Khó khăn hơn là việc tìm 2 thành tố quan trọng để vận hành hệ thống hơi nước - nước ngọt và nguồn nhiên liệu rẻ tiền để đun nóng nước. Sa mạc A-rập không có nguồn nước ngọt, vì thế Chevron buộc phải dùng nước mặn lấy từ lòng đất. Loại nước này chứa đầy tạp chất cần phải loại bỏ trước khi đun nóng và đưa vào lòng đất. Trong khi đó, nguồn nhiên liệu rẻ như khí đốt tự nhiên thì Arabie Séoudite và Koweit có rất ít hoặc không có. Do đó, Chevron có thể phải nhập khẩu gas hoặc dùng dầu để đun nước và điều này sẽ không kinh tế khi dùng dầu để sản xuất dầu. Ngoài ra, họ còn phải tốn tiền cho quá trình vận chuyển và tinh lọc dầu nặng thành xăng dầu. Lãnh đạo Chevron không tiết lộ chi phí của dự án nhưng nói rằng nó tốn nhiều tỉ USD và kéo dài 25-30 năm. Còn theo ước tính ban đầu của Koweit, dự án sẽ tốn khoảng 10 tỉ USD cho 10 năm thực hiện. Với những khó khăn và tốn kém trên, dự án Wafra hy vọng có thể mang về 6 tỉ thùng dầu.

Trước nhu cầu về nhiên liệu không ngừng gia tăng của thế giới, một số nước Trung Đông khác như Bahrein, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Oman cũng cố gắng khai thác dầu nặng với sự hợp tác của các tập đoàn xăng dầu Mỹ như Occidental và Praxair.

TL- Theo báo Cần Thơ

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.