Doanh nghiệp

Doanh nghiệp sơn đẩy mạnh chiến lược giành thị phần

06/11/2017 - 03:33 CH

Bên cạnh sự phát triển của doanh nghiệp sơn ngoại, nhiều đơn vị sơn trong nước cũng đang đẩy mạnh cuộc chiến giành thị phần.
Sơn nội địa phát triển mạnh

Thị trường Việt Nam hiện có hơn 600 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sơn với tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức 20%.

Sản phẩm sơn đang được chia làm 4 phân khúc: cao cấp gồm các công ty nước ngoài đến từ Hà Lan, Nhật, Mỹ, Thái Lan…; phân khúc thứ 2 gồm các thương hiệu sơn trung bình khá; còn lại là trung bình thấp và các cơ sở sản xuất sơn quy mô nhỏ. 

Sự cạnh tranh trên thị trường sơn bắt đầu ngay từ chính các doanh nghiệp ngoại. Trước hết, họ dồn nguồn lực xây dựng hệ thống kênh phân phối vững mạnh, kế đến là cuộc đua về giá và hậu mãi. Song song đó là đầu tư mở rộng nhà xưởng, hỗ trợ đại lý từ khâu trưng bày sản phẩm đến máy pha màu, bảng màu, catalog sản phẩm…

Điển hình, Akzonobel đã đầu tư thêm 13 triệu Euro cho nhà máy tại Bình Dương nhằm tối ưu hóa sản xuất hay 4 Oranges cũng tiếp tục đầu tư nhằm tăng độ phủ bằng việc hoàn thiện 2.000 trung tâm phân phối và pha màu trên cả nước. Hãng sơn Nhật Bản Nippon cũng tham gia đường đua khi xây dựng thêm nhà máy sơn thứ 3 tại Vĩnh Phúc còn Công ty sơn Jotun tăng vốn đầu tư để nâng công suất lên 25 triệu lít/năm.

Hãng sơn của Thái Lan - TOA cũng tăng tốc phát triển với 3 nhà máy ở Thái Lan cùng nhiều nhà máy ở Myanmar, Malaysia, Lào, Campuchia và Việt Nam, với tổng công suất đạt 88 triệu gallon sơn/năm.

Theo ông Jatuphat Tangkaravakoon, Giám đốc điều hành tập đoàn, sơn TOA chiếm 48,7% thị phần sơn phủ ở Thái Lan. Ở Đông Nam Á - nơi Sơn TOA chiếm 13% thị phần, Việt Nam được coi là một thị trường đầy tiềm năng của hãng sơn này.
 

Doanh nghiệp sơn đang đẩy mạnh chiến lược để giành thị phần.

Dù thị trường sơn Việt Nam vẫn đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan với 65% thị phần nhưng các công ty sơn trong nước cũng không đứng ngoài cuộc chơi giành thị phần, điển hình như sơn Kova, Đồng Tâm, Tison, Alphanam, Hòa Bình. 

Sau 22 năm tồn tại, sơn Kova đã đạt tổng công suất 60 triệu lít/năm. Kova đang dự kiến xây nhà máy thứ 7 với công suất 40 triệu lít một năm và các sản phẩm chủ lực dựa vào công nghệ nano từ vỏ trấu. Công ty này đang tập trung vào nghiên cứu và phát triển tính năng độc đáo để tạo được thương hiệu, sản lượng và thị phần.

Cạnh tranh bằng công nghệ

Một số chuyên gia trong ngành sơn cho rằng, người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn khi lựa chọn những vật liệu xây dựng. Bên cạnh chất lượng, họ đòi hỏi nhiều hơn về các tiêu chuẩn xanh, an toàn.

Bên cạnh đó, kiến trúc xanh đang là xu hướng chung của cả thế giới trước tình trạng trái đất nóng lên và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo đó, một trong những tiêu chí để công trình đạt được tiêu chuẩn kiến trúc xanh là sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, không chứa những hóa chất độc hại.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng cũng như sơn trang trí nói riêng cần chọn lọc, ứng dụng công nghệ trong sáng tạo sản phẩm mới.

Đơn cử, AkzoNobel đẩy mạnh dòng sản phẩm chủ lực dành cho ngoại thất ứng dụng công nghệ phản xạ nhiệt, làm giảm nhiệt độ bên sơn nội thất có khả năng chống nấm mốc ngừa vi khuẩn, bề mặt sơn nhẵn mịn. Jotun Việt Nam vừa đưa ra thị trường sản phẩm sơn ngoại thất giúp kéo dài thời gian sơn phủ lại ngôi nhà. 

Trong khi đó, theo tiết lộ của Tổng giám đốc Sơn TOA Việt Nam, để cho ra đời một loại sơn phù hợp với thời tiết Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cho gia chủ và thân thiện với môi trường TOA phải thực hiện hàng nghìn thí nghiệm mô phỏng để kiểm chứng chất lượng sơn.

Hãng này phải dành một khoản kinh phí rất lớn để nghiên cứu. Trong năm 2016, mức đầu tư cho R&D của TOA là hơn 5 tỷ đồng. Con số này trong năm 2017 là 6 tỷ đồng cho tất cả sản phẩm.

Thế mạnh của TOA là hợp tác với các đối tác nguyên vật liệu, hóa chất hàng đầu để ứng dụng những công nghệ tiên tiến vào trong từng dòng sản phẩm để cung cấp cho khách hàng những giải pháp tốt nhất.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, TOA ưu tiên phát triển dòng sơn nước ngoại thất TOA NanoShield với công nghệ Hybrid Nano có khả năng chống thấm nước tốt, chống bám bẩn hiệu quả, chống nóng, giúp bảo vệ công trình tối đa.

Với sơn nước nội thất, doanh nghiệp ra mắt TOA NanoClean có tác dụng kháng khuẩn nhờ công nghệ Nano Ag+ (Bạc) bảo vệ bề mặt màng sơn, chống bám bẩn và lau chùi dễ dàng, giữ cho không gian sinh hoạt trong nhà được trong lành

Nhờ mạnh tay đầu tư nhiều công nghệ hiện đại mà tuổi thọ công trình cũng tăng lên nhiều năm. Theo Sơn TOA, bộ đôi sản phẩm chủ lực này còn ứng dụng độc quyền Teflon - công nghệ bảo vệ bề mặt của Tập đoàn Dupont từ năm 2012.

Teflon giúp chống bám bụi, cải thiện độ bền cho bề mặt màng sơn, tăng khả năng chịu được chùi rửa. Đây cũng là công nghệ được ứng dụng phổ biến trong nồi, chảo chống dính.

Các công trình có thể tránh được ảnh hưởng của thời tiết và môi trường bụi bẩn, đồng thời còn bảo vệ sức khỏe người sử dụng khỏi những nguy hại do vi khuẩn ẩn náu trên tường nhà gây ra.
 
Bích Ngọc (TH/ VnExpress)

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.