Doanh nghiệp

Doanh nghiệp nội thất Việt trước cuộc xâm nhập của các "ông lớn" ngoại

17/10/2017 - 04:44 CH

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của ngành đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam, đạt hơn 740 triệu USD trong năm 2016. Tuy nhiên việc hội nhập sâu vào thị trường này đang đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Khi IKEA gia nhập cuộc chơi

Sau H&M, nhà bán lẻ đồ nội thất IKEA sẽ là thương hiệu Thụy Điển nổi tiếng thế giới tiếp theo thành lập một chi nhánh tại Việt Nam. "Ông lớn nội thất" của châu Âu này đang có kế hoạch mở rộng ở Đông Nam Á và thâm nhập thị trường Nam Mỹ trong sứ mệnh thống trị thị trường nội thất thế giới của mình.

Trước đó, thông qua NetClean, JYSK – thương hiệu đồ nội thất và trang trí đến từ Đan Mạch cũng đã thâm nhập phân khúc thị trường đồ nội thất với cửa hàng đầu tiên tại AEON Mall.

Inter Ikea Holding cho biết, Đông Nam Á đã nằm trong radar của công ty sau khi gia nhập thị trường Ấn Độ và Latvia năm nay. Doanh thu bán lẻ bao gồm tất cả các đại lý và dịch vụ khách hàng của IKEA lên tới 38,3 tỷ euro trong năm tài chính gần nhất.

Ông Warren Shoulberg - chuyên gia phân tích kinh doanh nhận định, "IKEA cũng từng vội vã mở rộng hoạt động. Nhưng khi việc kinh doanh không "xuôi chèo mát mái", IKEA đã quyết định phải làm điều mà họ chưa từng làm bao giờ: nghiên cứu thị trường thật kỹ lưỡng. Bởi vậy, nghiên cứu thị trường chính là bí quyết đem lại thành công của IKEA".

Hiện nay, tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ thông tin này, IKEA đã phục vụ khách hàng bằng cách sản xuất ra những sản phẩm tích hợp nhằm tiết kiệm không gian. Công ty này đã giải quyết tài tình một trong những thách thức lớn nhất của ngành bán lẻ: bán được lượng lớn sản phẩm ở mức giá rẻ tại nhiều thị trường với nhiều ngôn ngữ và văn hóa hoàn toàn khác nhau.

Ví dụ, IKEA đã nghiên cứu thói quen buổi sáng của 8.292 người ở 8 thành phố khác nhau. Người Thượng Hải chỉ mất 56 phút sau khi thức giấc để ra khỏi nhà trong khi người Mumbai mất tới 2h24 phút và họ cũng là “vua ngủ ngắn” với 56% người được khảo sát tắt chuông báo thức ít nhất 1 lần. 16% người New York và Stockholm làm việc ngay trong phòng tắm. Dù ở thành phố nào thì phụ nữ cũng mất nhiều thời gian lựa chọn trang phục hơn so với nam giới, thậm chí nhiều người cho rằng công việc này thật stress.

Với các số liệu trong tay, IKEA tung ra sản phẩm gương đứng Knapper có giá treo quần áo hay đồ trang sức phía sau nhằm giúp khách hàng có thể lựa chọn trang phục từ tối hôm trước.

"Các hãng nội thất châu Âu rất chú trọng công tác nghiên cứu thị trường trước khi thâm nhập vào bất cứ quốc gia nào. Họ xác định cụ thể đối tượng và gu thẩm mỹ của người tiêu dùng, từ đó đem đến một sản phẩm hút mắt ngay từ cái nhìn đầu tiên. Và với giá thành rẻ, họ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và nhận được sự ưu ái từ người dân bản địa" - ông Warren nhận định.

Có thể, thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng các nhà bán lẻ hàng nội thất Việt vẫn thận trọng trong chiến lược mở rộng hệ thống. Trong khi đó, nhiều chuỗi phân phối của nước ngoài liên tục có các hoạt động chiếm lĩnh.
 

Nhà bán lẻ đồ nội thất IKEA sẽ là thương hiệu Thụy Điển nổi tiếng thế giới tiếp theo thành lập một chi nhánh tại Việt Nam

Câu chuyện bán lẻ

Việt Nam là nền kinh tế đang bùng nổ, nhất là sau khi thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc trở lại, kéo theo sự gia tăng của các dự án về nhà ở cao cấp, resort, cao ốc…. Theo đó, ngày càng nhiều người đang khao khát có được những ngôi nhà tiện nghi, sang trọng, cũng như sẵn sàng đầu tư mạnh tay cho không gian gia đình.

Thực tế, người Việt vẫn ưu tiên sử dụng đồ nội thất truyền thống, cụ thể là đồ làm từ gỗ. Tuy nhiên, điểm yếu của hàng nội thất Việt là thương hiệu, chưa nhiều người tiêu dùng biết đến cho dù chất lượng sản phẩm khá tốt. Mặc dù doanh nghiệp đã cơ cấu lại, đầu tư khâu thiết kế, phát triển sản phẩm riêng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước nhưng lại gặp khó khăn trong vấn đề phân phối, tiếp thị bán lẻ do chưa đẩy mạnh kênh bán hàng này.

Do đó, từ thực tế thị trường, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay các doanh nghiệp sản xuất nội thất trong nước nên tận dụng cơ hội để “tranh thủ” tiếp thị sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng.

Đồng thời, khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, việc mua sắm bộ nội thất có giá trị lớn mà chỉ tập trung vào phân khúc giá hạng trung và thấp… thì doanh nghiệp phải “thức thời” để đáp ứng ngay phân khúc bán lẻ này. Một bộ nội thất có giá từ 5-7 triệu đồng đang là lựa chọn tối ưu nhất cho các gia đình có nhu cầu thật sự, và nội thất đang ngày một trở về với giá trị thật chứ không thể như một mặt hàng xa xỉ.

Theo DĐDN/Xây dựng
 

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.