Xi măng

Xuất khẩu xi măng: Cần hoạch định chiến lược phù hợp

30/08/2014 - 10:44 SA

Đó là một trong những ý kiến của ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam trong nội dung trả lời phỏng vấn trên báo TTXVN về một số vấn đề liên quan đến hoạt động xuất khẩu xi măng Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, kể từ năm 2010, sản lượng toàn ngành xi măng đã đủ phục vụ nhu cầu trong nước và đến năm 2012, do chịu tác động chung của sự suy giảm kinh tế, sức tiêu thụ giảm suất nên đã xuất hiện tình trạng cung vượt cầu. Khi sản lượng xi măng trong nước cung đã vượt cầu thì việc xuất khẩu mặt hàng này là một giải pháp được nhiều doanh nghiệp xi măng lựa chọn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu xuất khẩu xi măng có phải là một giải pháp tình thế để các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Quang Cung cho biết: Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư nhiều dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến nên Việt Nam hiện là một trong những cường quốc về xi măng ở Đông Nam Á. Xuất khẩu ximăng cần có bước đi thích hợp và từ nay đến khoảng năm 2025-2030 thì đây vẫn là con đường nên lựa chọn.

Theo ông Cung, một quốc gia muốn phát triển thì phải đẩy mạnh xuất khẩu tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ để thu ngoại tệ về. Ngành nào cũng nghĩ đến xuất khẩu và xi măng cũng không là ngoại lệ.

Việt Nam rất có lợi thế để phát triển sản xuất bởi nguồn nguyên liệu phong phú, có tới 3/4 diện tích là núi mà trong đó núi đá vôi chiếm phần lớn; đồng thời có bờ biển dài với nhiều cảng biển rất thuận lợi cho việc xuất khẩu xi măng...

Trước những băn khoăn của PV về việc, lâu nay, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu chỉ tập trung nhiều cho nhu cầu trong nước và hoạt động xuất khẩu dường như vẫn bỏ ngỏ, vậy làm thế nào để các doanh nghiệp có thể giành lại thị phần xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Quang Cung phân tích:

Tôi cho rằng một nhà máy xi măng công suất là 1 triệu tấn/năm nhưng nếu trong giai đoạn khó khăn không tiêu thụ được và không tận dụng hết công suất thiết kế, chỉ sản xuất cầm chừng khoảng 70 vạn tấn thì toàn bộ khấu hao, nhân công lao động tiền lương... vẫn đè lên 70 vạn tấn.

Nhưng nếu phát huy được 1 triệu tấn công suất thì rõ ràng khấu hao cho sản xuất cũng được giảm giá thành. Hiệu quả xuất khẩu cần nhìn vào lợi nhuận tổng hợp chứ không chỉ thông qua bán để tính đầu ra đầu vào.

Quy hoạch phát triển xi măng sau vài lần điều chỉnh cũng nhấn mạnh mục tiêu tập trung đáp ứng cho thị trường nội địa và dành một phần xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu xi măng đang thiếu một chiến lược dài hạn và bài bản.

Các khu vực sản xuất hàng hóa được tham gia xuất khẩu thì nên được hoạch định vùng, phân định rõ nơi sản xuất đó là phục vụ cho xuất khẩu. Với mặt hàng xi măng thì điều này lại càng cần thiết.

Nhà máy ở gần cảng biển, có nguồn nguyên liệu tốt, đã đầu tư nhà máy công suất lớn, công nghệ cao thì nên ưu tiên xuất khẩu bởi nó có thương hiệu mạnh, chi phí sản xuất thấp và sẽ cho hiệu quả rất cao. Còn nếu xuất hàng qua đường vận tải biển mà lại chọn những nhà máy cách xa cảng thì lộ trình không hợp lý, chi phí phát sinh tăng, giá cũng vì thế đội lên nên kém hiệu quả hơn. Bởi vậy, cần có định hướng xem đơn vị nào phù hợp thì tập trung cho xuất khẩu, còn doanh nghiệp nào thì phục vụ cho nhu cầu trong nước.


 

Từ nay đến khoảng năm 2025-2030 thì XK xi măng vẫn là con đường nên lựa chọn


Nhận định về khả năng cạnh tranh về giá xi măng Việt Nam khi tham gia vào thị trường nước ngoài, ông Cung thẳng thắn nhìn nhận:  Xuất khẩu xi măng không chỉ là cuộc cạnh tranh giữa các thị trường mà còn là cạnh tranh về giá. Nói riêng về giá thì nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có giá thấp hơn các nước.

Để xuất khẩu, trước tiên phải củng cố sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tiếp đến là cần sự ổn định và khẳng định được thương hiệu với khách hàng. Bởi vậy, xuất khẩu hàng hóa cần có một quá trình, muốn tăng giá thì phải xây dựng được bạn hàng, sản xuất ổn định.
 
Hiện nhiều nước trong khu vực châu Á có lượng ximăng xuất khẩu rất lớn và có thâm niên trong hoạt động này. Như Thái Lan và Nhật Bản đã tham gia thị trường xuất khẩu này hàng chục năm.

Hiện giá ximăng xuất khẩu của Việt Nam dao động quanh khoảng 50-55 USD/tấn, mức này có thấp hơn một số nước trong khu vực nhưng không nhiều lắm, chưa tới 10%.

Để có thể nâng được giá bán ximăng, ngoài việc doanh nghiệp phải cố gắng tối đa nâng cao chất lượng thì cần có sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Vật liệu Xây dựng và một số ban ngành khác.

Trong những năm qua, xuất khẩu xi măng luôn được xem như một giải pháp tình thế, các doanh nghiệp ximăng hiện vẫn đang tập trung nhiều cho nhu cầu trong nước. Do bỏ ngỏ cả một thời gian dài nên để giành lại thị phần xuất khẩu là bài toán khó mà ngành xi măng phải nỗ lực giải quyết. Bởi vậy, nhà nước cần hoạch định một chiến lược xuất khẩu ximăng phù hợp.

Theo ximang.vn/TTXVN

Ý kiến của bạn

MẠNG THÔNG TIN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM

P 2006, tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 đường Tố Hữu, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0905 329 019

gamma.vlxd@gmail.com - Website: vatlieuxaydung.org.vn/ vlxd.org

- Giấy phép số 3374/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp ngày 28/6/2016
- Cơ quan chủ quản: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ VLXD - Hội VLXD Việt Nam
- Người chịu trách nhiệm nội dung: Lương Tuân
- Vận hành và phát triển: Công ty Gamma NT
Vui lòng ghi rõ nguồn "vatlieuxaydung.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.